Thoát “ùn tắc” tín dụng

ANTĐ - Trong phiên họp thường kỳ vừa qua, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu đề ra, không để dồn vào cuối năm. Trong khi đó, đã qua quá nửa tháng 8 nhưng ngân hàng vẫn chưa công  bố số liệu tăng trưởng tín dụng 7 tháng qua so với đầu năm. Trước sự hối thúc của Chính phủ, giới phân tích cũng tỏ ra sốt ruột và lo ngại phỏng đoán, liệu tín dụng có đạt mức tăng trưởng 3,5-3,7%?

Vì sao Chính phủ không muốn diễn ra tình trạng “no dồn đói góp” tín dụng từ nay đến hết năm? Theo lý giải của giới chuyên gia, trước hết, vào thời điểm cuối năm, các khoản chi ngân sách sẽ gia tăng, nếu cộng hưởng thêm tín dụng “dồn toa”, sẽ tác động xấu lên lạm phát. Hơn thế, tín dụng ngân hàng “bơm máu” cho nền kinh tế, nếu tăng trưởng thấp, có nghĩa là đầu tư doanh nghiệp tư nhân không cao, trong khi khu vực này đóng góp cho GDP tới 60%. Tình hình này rất gay go vì đầu tư tư nhân sụt giảm thì cả hệ thống tín dụng ngân hàng cũng giảm theo, dù triển vọng phục hồi đã thấy rõ. Giả định tăng trưởng tín dụng là 3,5% như dự đoán của một số chuyên gia, thì tình hình rất đáng lo ngại vì đây thực sự là mức tăng… cài số lùi. Còn nếu tăng ở mức 3,7% cũng vẫn ở mức thấp. Theo báo cáo cập nhật của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng tăng thấp là do doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm và chi phí vốn còn cao. Đầu tư tư nhân trong nửa đầu năm 2014 chỉ ở mức 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP cùng kỳ năm 2013. Thực tế này cho thấy, khu vực đầu tư tư nhân đang bị chèn ép và sụt giảm đáng lo ngại.

Phải làm gì để thoát khỏi tình trạng “ùn tắc” tín dụng hiện nay? Theo ý kiến của Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ngân hàng, Chính phủ đã có một số giải pháp kích thích như miễn giảm thuế, gia tăng cho vay xây dựng cơ bản và tam nông. Để thoát khỏi tình trạng tăng trưởng tín dụng ảm đạm cũng như khó khăn của doanh nghiệp, rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc để hạ thêm các mức lãi suất điều hành khoảng 0,5% nữa. Dù mức độ không lớn nhưng cũng góp phần kích thích tăng trưởng tín dụng. Tuy vậy, đây chưa phải là “liều thuốc” đặc trị căn bệnh của khu vực doanh nghiệp tư nhân.