Thiệt đơn, thiệt kép

ANTĐ - Hiện nay mức thu và chi cho bảo hiểm xã hội (BHXH) chênh lệch nhau khá lớn, có nên xử lý doanh nghiệp trốn đóng BHXH bằng tội danh hình sự? Đây là vấn đề “nóng” gây bức xúc xã hội đã được đặt ra trong hội thảo “Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển” vừa diễn ra tại Hà Nội. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, BHXH đã có những bước tiến quan trọng, nhưng cần tiếp tục sửa đổi để BHXH thực sự đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người lao động.

Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hiện tại có hơn 1 triệu người lao động bị thiệt thòi bởi doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp lên tới gần 12.000 tỷ đồng. Giải quyết chính sách BHXH cho người lao động đạt thấp, thủ tục rườm ra, lực lượng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vừa thiếu vừa yếu. Trong năm 2013 đã có khoảng 154.000 doanh nghiệp trốn hoặc bỏ đóng BHXH, nhưng chỉ khởi tố dân sự được 4.000 vụ.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, tình trạng nợ đọng BHXH rất nhức nhối, nếu chỉ xử phạt nhẹ tay sẽ thiếu tính răn đe; phải có hình thức cao hơn, đặc biệt nghiêm khắc với những doanh nghiệp cố tình chây ì. Đại diện Thanh tra Chính phủ nhận xét, hiện còn nhiều lỗ hổng trong quản lý doanh nghiệp đóng BHXH. Qua nhiều cuộc thanh tra bảo hiểm trên cả nước đã phát hiện hàng nghìn doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT năm sau cao hơn năm trước. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chiếm dụng tiền của người lao động, chi sai mục đích hàng nghìn tỷ đồng.

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết đã khởi kiện 3.670 doanh nghiệp, song số tiền thu hồi rất thấp, chỉ đạt 43%, quyền và lợi ích của người lao động bị thiệt hại nghiêm trọng. Hiện số lượng lao động trong diện bảo hiểm bắt buộc là khoảng 18 triệu người, song thực thu chỉ được chừng 11 triệu người, như vậy còn 6-7 triệu người không được đóng BHXH và bị chiếm dụng vốn. Trong khi đó, ở một số địa phương chưa có cơ quan nào nắm được có bao nhiêu doanh nghiệp mới, doanh nghiệp phá sản, sử dụng bao nhiêu lao động và đóng BHXH ra sao.

Để giúp người lao động không bị “thiệt đơn, thiệt kép”, đại diện Thanh tra Chính phủ đề nghị, trước đây đã có chế tài xử phạt việc chậm nộp BH, đã đến lúc phải đưa quy định xử lý doanh nghiệp cố ý chây ì, trốn đóng BHXH vào Bộ luật Hình sự.