Sợ mà vẫn phải ăn

ANTĐ - Từ đầu năm tới nay, cơ quan chức năng Hà Nội đã bắt giữ, tiêu hủy một lượng lớn thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Trong đó, chủ yếu là thịt lợn, gia cầm, thủy sản, cà chua, khoai tây không rõ nguồn gốc xuất xứ, thịt các loại không có dấu kiểm soát giết mổ. Theo Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm đã lấy 142 mẫu để kiểm tra. Kết quả phân tích cho thấy, trong 115 mẫu sản phẩm lấy tại Hà Nội, có gần 60% mẫu thịt gia súc, gia cầm vượt giới hạn cho phép về vi khuẩn. Các mẫu hàng từ ngoại tỉnh đưa vào Hà Nội cũng vượt giới hạn từ 14-33%.

Những loại vi khuẩn hiếu khí, E.coli gây tiêu chảy, nôn mửa… thường nằm trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản. Chưa kể dư lượng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật, tăng trọng tồn đọng trong rau sạch, củ quả tươi. Đại bộ phận người dân mua thịt từ hàng nghìn cơ sở mổ nhỏ lẻ nằm rải rác khắp thành phố, ngoại ô hầu như ngoài tầm kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đại diện Chi cục Thú y Hà Nội thừa nhận, các loại vi khuẩn độc hại rất dễ nhiễm vào thịt ở tất cả các khâu từ giết mổ, vận chuyển, bày bán và dao thớt.

Thành phố đã có quy định thịt gia súc sau khi mổ, vận chuyển tới các chợ phải cho vào thùng tôn hoặc xe chuyên dụng. Song, quy định này hầu như bị vô hiệu hóa khi hàng sáng xe máy vẫn phóng bạt mạng, vắt vẻo 4-5 con lợn móc hàm đến chợ, quầy bán. Ngay cả quy định nơi bán thịt phải có bàn đá hoặc inox sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn cũng không có mấy nơi thực hiện. Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết, đề án đặt máy soi kiểm tra, chất lượng thực phẩm tại các chợ đầu mối ở Hà Nội hầu như bế tắc. Dự thảo đã làm xong và gửi xin ý kiến các ban, ngành thành phố từ khá lâu, nay vẫn nằm trên giấy. Theo dự thảo, tại các chợ đầu mối ở đầu cửa ngõ Thủ đô sẽ xây dựng các trạm, cơ sở kiểm nghiệm nhanh. Trước mắt sẽ “soi” cá, thịt, rau củ quả. Tiếp đó là một số sản phẩm đồ uống, song từ kết quả kiểm tra nhanh không thể dùng để xử phạt thực phẩm bẩn. Các mẫu đó phải gửi phân tích định lượng, nếu vượt ngưỡng an toàn thì sẽ xử lý hành chính.

Hiện tại, Hà Nội mới có 5 cơ sở giết mổ công nghiệp, 9 cơ sở bán công nghiệp, 3 cơ sở thủ công tập trung. Tất cả chỉ đáp ứng 28% nhu cầu về thịt lợn và 34% thịt gà cho người dân. Còn lại phải phụ thuộc vào khoảng 2.500 điểm giết mổ nhỏ lẻ và từ các tỉnh đưa về. Đây là nguồn thực phẩm rất lớn nằm “ngoài vùng” kiểm soát vệ sinh an toàn, trong khi chuyện lắp đặt hệ thống máy soi còn xa vời. Vì thế, người tiêu dùng “thông thái” mặc dù sợ mà vẫn phải ăn.