“Siết” điều kiện cho vay

ANTĐ - Thị trường bất động sản tuy có xu hướng ấm dần lên, nhưng lượng hàng tồn kho còn khá lớn, giá nhà vẫn ở mức cao so với thu nhập của người dân. Các doanh nghiệp đầu tư rất khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng khi chưa trả được nợ cũ. Nhiều dự án đang xây dựng dở dang do người mua nhà không nộp tiền tiếp, nên không có tiền để tiếp tục triển khai. Đó là nội dung báo cáo gửi Chính phủ của Bộ Xây dựng, trong đó đề nghị thực hiện hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm tồn kho.

Tính đến đầu tháng 3 vừa qua, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước vào khoảng 92.690 tỷ đồng, giảm 1.768 tỷ đồng so với tháng 12-2013. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư 19.210 căn, tương đương 28.582 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng 13.516 căn, tương đương 24.029 tỷ đồng… Trên địa bàn Hà Nội, tổng số tồn kho là 12.601 tỷ đồng, giảm 369 tỷ đồng; tồn kho căn hộ chung cư 3.565 tỷ đồng, nhà thấp tầng 9.036 tỷ đồng. Trước thực trạng này, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương không cấp phép đầu tư mới các dự án nhà ở thương mại, các đô thị mới trong năm 2014. Hiện Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện để ban hành thông tư liên tịch, nhằm hỗ trợ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Dự kiến, người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ dưới 70m2) giá bán dưới 15 triệu đồng/m2) được thế chấp chính căn nhà hình thành từ vốn vay để vay gói 30.000 tỷ đồng. Trước đây, các ngân hàng yêu cầu người vay phải chứng minh được khả năng trả nợ hoặc phải có tài sản thế chấp, điều mà người thu nhập thấp rất khó đáp ứng.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản, đây là một trong những đột phá nhằm thúc đẩy nhanh giải ngân 30.000 tỷ đồng. Tuy thế, quy định trên chưa đủ vì theo quy định hiện hành, người vay vẫn phải chứng minh thu nhập và khả năng trả nợ. Cán bộ, công chức có thu nhập ổn định sẽ chứng minh được, người lao động tự do, thu nhập bấp bênh rất khó chứng minh. Theo vị Phó Chủ tịch, không nên ép người thu nhập thấp bằng những quy định mà họ không thực hiện được. Ngay cả việc chứng minh thu nhập cũng mâu thuẫn khi quy định: Chỉ người thu nhập không phải nộp thuế (dưới 9 triệu đồng/tháng) mới được mua nhà ở xã hội và được vay gói hỗ trợ. Với mức thu nhập đó, họ cũng khó có khả năng trả nợ nhưng vẫn phải tìm cách chứng minh. Thực tế có nhiều khách hàng muốn vay gói 30.000 tỷ đồng, song chỉ có vài người được vay đều là công chức, còn công nhân, lao động ngoài nhà nước không vay nổi.

Chính vì không có hệ số rủi ro nên các ngân hàng thương mại sợ trách nhiệm, sợ nợ xấu nên quay ra “siết” điều kiện cho vay. Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Hiệp hội bất động sản TP.HCM đều cho rằng, không nên quá lo lắng rủi ro khi cho thế chấp nhà từ vốn vay. Tiền được giải ngân có sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng trực tiếp cho chủ đầu tư. Như vậy, không lo bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Chưa kể, người được vay phải bỏ tiền túi bằng 30% giá trị căn hộ, sau đó mới được ngân hàng giải ngân 70% còn lại.