Phải ràng buộc trách nhiệm

ANTĐ - Tại Nghị quyết 61/CP ban hành mới đây, Thủ tướng Chính phủ đồng ý tăng thời gian vay vốn ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng lên 15 năm; đồng thời đối tượng được vay vốn cũng mở rộng, điều kiện vay vốn được nới lỏng hơn. Như vậy, những khó khăn liên quan đến gói tín dụng này đang được tháo gỡ, để có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Điều này giúp tăng cung nhà ở xã hội cũng như giúp nhiều người nghèo thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. 

Với những chính sách mới này, nhiều chuyên gia hy vọng chương trình phát triển nhà ở xã hội sẽ thêm khởi sắc trong thời gian tới. Làm nhà ở xã hội, vốn bỏ ra rất lớn mà lợi nhuận không cao, vì vậy Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia. Luật Nhà ở sửa đổi có nhiều điểm sáng, nổi bật nhất là chính sách phát triển nhà ở xã hội. Một ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, không nên thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội vì chưa kể những tốn kém, chi phí cho bộ máy quản lý, thì loại quỹ này rất phức tạp, nếu không thận trọng sẽ xảy ra nguy cơ “biến màu” trở thành quỹ tín dụng “đen”, sử dụng vào việc khác.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, không nên bỏ quỹ này vì đây là quy định rất nhân văn và đã được sự đồng tình ủng hộ của xã hội. Sự cần thiết của quỹ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hiện vẫn còn hơn 1 triệu hộ cận nghèo có mức thu nhập không đủ để có được nhà ở. Riêng những người có công cũng đang cần tới khoảng 30.000 căn nhà xây mới hoặc sửa chữa. Nhiều nước có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia vẫn có quy định về quỹ phát triển nhà ở xã hội. Ở nước ta, để quỹ này hoạt động hiệu quả hơn, không nhất thiết phải thành lập quỹ ở mọi nơi, chỉ lựa chọn những nơi thực sự có nhu cầu bức thiết về nhà ở mọi nơi, chỉ lựa chọn tại những nơi thực sự bức xúc về nhà ở như các khu công nghiệp, vùng đô thị và những nơi thường xuyên bị thiên tai...

Để tránh tình trạng quỹ này hoạt động không hiệu quả, nhưng không ai chịu trách nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị trong luật cần quy định ràng buộc trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các địa phương, không chỉ nói chung chung. Bộ Xây dựng cần tổng kết, đánh giá phương thức hoạt động, cơ chế huy động vốn, vì đây là quỹ rất đặc thù vẫn còn tồn tại những điểm “tù mù”.