Phải chấp nhận trả giá

ANTĐ - Mặc dù phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức, nhưng nhìn bao quát cân đối vĩ mô của nền kinh tế vẫn được đảm bảo. Nửa đầu năm 2014, sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9% là đấu hiệu cho thấy, cầu sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng trở lại, thúc đẩy sản xuất phát triển ổn định và giảm tồn kho. Để hoàn thành các mục tiêu năm nay, Bộ Công Thương cho rằng cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và phải điều chỉnh cán cân thương mại với Trung Quốc cho phù hợp trong một số lĩnh vực sản xuất.

Theo đánh giá, tình hình xuất nhập khẩu tồn tại những hạn chế như giá và lượng xuất khẩu của các mặt hàng nông sản và khoáng sản giảm đã ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu. Nước ta vẫn phải tiếp tục nhập khẩu nhiều nguyên liệu gia công từ Trung Quốc, tháng 5 tăng 30,1% và tháng 6 tăng 11,4% so với cùng kỳ. Phân tích những ảnh hưởng khi quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng xấu, một số chuyên gia cho rằng, về xuất khẩu, các mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu.

Đây là những tập đoàn lớn, thị trường ổn định nên không chịu ảnh hưởng lớn. Mặt hàng gạo xuất khẩu, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển sang một số thị trường khác. Dự báo mức độ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu từ 3-4%. Còn mặt hàng rau củ quả, doanh nghiệp có thể xuất sang thị trường các nước trong khu vực, mức độ ảnh hưởng từ 7-10% nếu diễn biến bất lợi. Riêng về nhập khẩu, các mặt hàng vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, ngoại trừ các doanh nghiệp có thể chủ động đầu vào, các doanh nghiệp còn lại có thể nhập khẩu từ Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan. Tất nhiên phải chấp nhận tăng chi phí 10-15% đối với vải và 7-10% nguyên phụ liệu dệt may, da giày…

Lâu nay, các doanh nghiệp mua nhiều máy móc, thiết bị, phụ tùng từ Trung Quốc do giá rẻ và phương thức mua nhanh, bán nhanh. Tuy nhiên, nhược điểm là dòng đời không bền, tiêu hao nhiều nhiên liệu so với máy nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, trong khi sản phẩm chất lượng thua kém. Đây là thời điểm không thể đắn đo, chần chừ trong việc đổi mới máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Trước mắt phải chấp nhận trả giá, tăng chi phí, đầu tư, nhưng về lâu dài từng doanh nghiệp, ngành hàng cũng như cả nền kinh tế sẽ thoát dần khỏi “cái bóng” phụ thuộc của Trung Quốc.