Nút thắt khó gỡ nhất

ANTĐ - Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh đã tỏ rõ sự “ngập ngừng” cũng như còn nhiều khoảng trống để thực sự quản lý được doanh nghiệp Nhà nước. Dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội thảo luận vào tháng 5, nhưng những vấn đề về chủ sở hữu, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình vẫn còn nhiều vướng mắc. Đây cũng là nội dung được thảo luận tại cuộc hội thảo do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới tổ chức. 

Góp ý cho dự thảo Luật, chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới cho rằng, vấn đề căn bản nhất là phân biệt giữa chức năng sở hữu và quản trị doanh nghiệp. Theo đó, cần xác định mục tiêu của doanh nghiệp Nhà nước, cơ chế về hiệu quả hoạt động, cơ chế ra quyết định về đầu tư vốn Nhà nước, tái cơ cấu và mức lương thưởng của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Một vấn đề cốt lõi là quản trị doanh nghiệp với các nội dung chiến lược hoạt động, kiểm soát rủi ro, ra quyết định dân sự và thực hiện báo cáo tài chính.

Vị chuyên gia này chỉ rõ, Chính phủ cần vạch ra sân chơi như thế nào để ban giám đốc doanh nghiệp phải “chơi” được trên sân này. Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, Luật này phải xuất phát từ một quan điểm quan trọng bậc nhất: Từ mô hình Nhà nước sở hữu sang mô hình cổ đông sở hữu. Cụ thể hơn, Nhà nước là chủ sở hữu nhưng với tư cách là cổ đông. Đây mới là trụ cột của luật, việc tách bạch chủ sở hữu và quản trị đã bàn cãi hàng chục năm nay. Nếu lần này Luật không làm rõ được thì rất khó khả thi. Doanh nghiệp Nhà nước phải có quyền tự chủ, ít nhất là phải hạch toán đầy đủ chi phí, cứ bán lỗ thì không thể bù đắp đủ chi phí, không thể tồn tại. Thực tế chứng tỏ, hạn chế, yếu kém trong điều hành; thất thoát, lãng phí, tham ô, tham nhũng trong quản lý vốn tại doanh nghiệp chủ yếu từ nguồn vốn doanh nghiệp đi vay, vốn huy động, chứ ít xảy ra đối với vốn Nhà nước đầu tư vì nguồn vốn này hầu hết đều nằm ở tài sản cố định. Vì vậy, cần phải mở rộng phạm vi quản lý vốn tại doanh nghiệp ra cả các nguồn vốn khác, ngoài vốn đầu tư từ ngân sách. Nguyên

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội lo ngại phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật có thể tạo kẽ hở lớn. Có doanh nghiệp mà Nhà nước nắm trên 51% vốn nhưng chỉ có 5-10 tỷ đồng. Ngược lại, có doanh nghiệp Nhà nước chỉ nắm 10-20% vốn, song số tiền lên tới nhiều chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, nếu không đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật này thì sẽ bất ổn.

Nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đều nhất trí rằng, quản lý vốn Nhà nước là hết sức khó khăn và phức tạp. Tâm lý chung là chờ đợi một sự đột phá trong quản lý vốn và hiệu quả vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát. Nút thắt khó gỡ nhất là làm sao bảo toàn vốn Nhà nước cũng tức là tiền của dân, của nước.