“Nhận mặt” lợi ích nhóm

ANTĐ - Gần đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã tổ chức hội thảo “thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng chống lợi ích nhóm ở Việt Nam”. Hơn hai năm trước, vấn đề lợi ích nhóm đã được đề cập tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa XI. Trong bài phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư đã cảnh báo nguy cơ lợi ích nhóm: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay lợi ích nhóm chi phối…”.

Tại cuộc hội thảo lần này, các ý kiến cũng mới chỉ dừng lại ở những tranh luận về mặt khái niệm. Một trong những vấn đề chính được tập trung thảo luận tại hội thảo là nhận diện lợi ích nhóm, trong lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, ngân hàng, đầu tư công.

Trên các diễn đàn Quốc hội một số đại biểu cũng đã lên tiếng cảnh báo về tác động của các nhóm lợi ích. Trong bức tranh kinh tế đan xen sáng tối, sự hiện diện của nhóm lợi ích làm cho mảng tối càng “u ám” hơn. Sự tồn tại và thao túng của nhóm lợi ích khiến cho không ít ngân hàng, doanh nghiệp ngao ngán. Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia và một số chuyên gia khuyến cáo tình trạng các ông chủ ngân hàng “tay trái cho vay để tay phải đáo nợ cũ” với dự án của mình.

Những số liệu về các ngân hàng cho tập đoàn kinh tế lớn vay, kể cả khu vực tư nhân là bao nhiêu, hiện rất mù mờ, thiếu minh bạch. Vì thế, rất ít ai biết được các ông chủ tư nhân ngồi chễm chệ ở các ngân hàng sử dụng tiền gửi của người dân cho các công ty sân sau như thế nào. Thay vào đó, có những ông chủ ngân hàng đã dành phần lớn số vốn trung, dài hạn cho các dự án lớn của họ. Điều ngạc nhiên là nợ xấu ở các dự án này không thấy bao giờ, đơn giản là bởi các ông chủ đã tự gia hạn nợ, thậm chí “tay phải vay nợ mới, tay trái đáo nợ cũ”. 

Một chuyên gia tài chính có uy tín đã “mổ xẻ” thực trạng các ông chủ trước kia đổ vốn buôn đất, sân golf, kinh doanh thương mại, sau đó nhảy vào lĩnh vực ngân hàng. Đơn cử, một ông chủ có “máu mặt” trong làng bất động sản nhảy vào kinh doanh chứng khoán, nhưng đã kịp “tỉnh ra” vì biết không phải là sở trường. Vì vậy, ông này bán ngay cho một công ty khác và chuồn nhanh khỏi thị trường. Tuy nhiên, không phải ai trót sa chân vào lĩnh vực ngoài ngành cũng sớm nhận ra nguy cơ rủi ro. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp Nhà nước cố theo đuổi dù ngành nghề chính là đầu tư công nghiệp, xây dựng nhưng lại “ôm” vài ngân hàng, chỉ đến khi thua lỗ thì đã muộn. 

Trở lại vấn đề nhận diện lợi ích nhóm, chuyện lũng đoạn ngân hàng từ các tập đoàn kinh tế tư nhân, vị chuyên gia thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ thẳng thắn cho rằng, không cần hình sự hóa vấn đề, chỉ cần kiên quyết yêu cầu các ông chủ này thoái vốn, cho họ một thời gian để bước ra khỏi ngành ngân hàng, rồi mới tính đến chuyện tái cơ cấu được. Vấn đề là, thông qua thanh tra, giám sát, cơ quan quản lý phải nắm được tỷ lệ sở hữu chéo và sở hữu thực sự của các cổ đông để ngăn chặn tình trạng lạm dụng tiền gửi của người dân vào các dự án riêng của mình.