Nếu như không thay đổi

ANTĐ - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Giám sát vốn nhà nước lâu nay chưa rõ ràng vì chỉ nêu nội dung giám sát mà chưa cụ thể. Câu hỏi đặt ra là: Cơ quan giám sát là ai? Chức năng quyền hạn là gì? Hậu giám sát ra sao?

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết, qua thảo luận tại Quốc hội, một số đại biểu đề nghị xác định rõ hơn mô hình đại diện chủ sở hữu; xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản. Nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung, có thể giao cho một cơ quan quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý Nhà nước. Có ý kiến cho rằng, nếu cứ giữ nguyên mô hình quản lý vốn Nhà nước như hiện nay thì sẽ không có gì thay đổi, trong khi quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là vấn đề đang rất bức xúc.

Trong cơ chế quản lý vốn Nhà nước phải có đầu mối chịu trách nhiệm, vì đây là ngân sách, tiền thuế của dân. Hệ lụy lớn nhất của cơ chế bộ, ngành chủ quản các doanh nghiệp nhàn ước là tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, méo mó về chính sách, sự bất cập trong điều hành theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Thế nhưng, ý kiến đề xuất xóa bỏ cơ chế này trong dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước, đã được đưa ra tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội vừa qua và ngay tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn gặp không ít ý kiến phản đối. Có thể dẫn ra nhiều bằng chứng về sự bất cập trong cơ chế bộ, ngành chủ quản như việc điều hành giá xăng dầu gây bức xúc kéo dài nhiều năm nay. Dư luận có quyền hoài nghi cơ chế, chính sách mà Bộ Công Thương soạn thảo nhằm tạo thuận lợi cho tập đoàn, công ty “con đẻ”. Chưa kể những sự mập mờ lỗ lãi, thiếu công khai, minh bạch. Tương tự, dù khó khăn hay thuận lợi, bao năm qua giá điện chỉ tăng không giảm. Tất cả mọi chi phí đều được đổ vào giá điện.

Trên thực tế, việc một Bộ “ôm” hàng chục tập đoàn, tổng công ty đã và đang tạo ra một sân chơi thiếu bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Theo Ủy ban Kinh tế, việc giữ nguyên mô hình như hiện nay sẽ không khắc phục được triệt để yếu kém trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước. Ủy ban đề xuất thành lập một cơ quan độc lập quản lý vốn Nhà nước, tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp. Nếu không thay đổi, đừng nói đến chuyện nâng cao hiệu quả giám sát vốn Nhà nước, tiền của dân tại nhiều doanh nghiệp. Mọi sự đã rõ ràng, nhưng nhiều bộ, ngành chủ quản vẫn chưa muốn “buông tay”.