Nan giải chuyện giảm tải

ANTĐ - Tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch công tác y tế năm 2014, Bộ Y tế cho biết, về cơ bản đã hoàn thành 18/18 chỉ tiêu Chính phủ giao. Nước ta được Liên hợp quốc đánh giá là một điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế, bao gồm giảm suy dinh dưỡng trẻ em, phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh dịch lây lan… Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế dẫn đến tình trạng bệnh viện quá tải, chất lượng chăm sóc chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chi phí cho dịch vụ y tế ngày càng lớn, trong khi đầu tư còn thấp.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ giường bệnh phải đạt 39 giường/vạn dân, trong khi Việt Nam mới chỉ đạt 22,5 giường bệnh/vạn dân. Hầu hết các bệnh viện đều có công suất sử dụng giường tối đa, tình trạng bệnh nhân nằm ghép còn phổ biến ở khá nhiều bệnh viện. Cơ sở vật chất tuyến cơ sở xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu và không đồng bộ ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ y tế. Hiện cả nước có 1.200 bệnh viện công với tổng số 215.000 giường bệnh, trong khi tỷ lệ giường bệnh của 170 bệnh viện tư nhân chỉ chiếm 4,2%. Nếu đặt vấn đề giảm tải nhờ bệnh viện tư “gánh đỡ” thì cũng khó khả thi. Nguyên nhân là nhân lực thiếu và yếu, chi phí khám chữa bệnh cao. Để phối hợp giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện, giải pháp cơ học là tăng giường bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước huy động 1 tỷ USD xây dựng 5 bệnh viện tuyến cuối và các bệnh viện tư nhân. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, tổng lượt khám bệnh ngoại trú của các bệnh viện tư chỉ bằng 6,7% so với các bệnh viện công. Số bệnh nhân nội trú tại các bệnh viện tư chỉ chiếm khoảng 6%, công suất sử dụng giường bệnh mới đạt 21,6%, cá biệt có bệnh viện chỉ đạt 5%. So sánh với một số nước láng giềng, trung bình một bệnh viện có cùng đội ngũ y, bác sỹ, thì 1 năm họ chữa trị khoảng 1.000 ca bệnh, còn ở Việt Nam phải giải quyết gấp 8 lần con số đó trong năm 2013. Với số lượng bệnh nhân đông như vậy, thật khó đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh. Hơn thế, một phòng bệnh hơn chục mét vuông mà chứa tới hơn hai chục bệnh nhân, còn ở các nước chỉ có 4-5 bệnh nhân, làm sao tránh được sai sót, sai lầm. Còn một yếu tố hết sức quan trọng là đội ngũ bác sĩ giỏi ở các nước gần ta không phải là quá nổi trội, xuất sắc. Song sự đồng đều về trình độ chung lại cao hơn nhiều do chất lượng đào tạo ở các trường đại học y, vì vậy chất lượng điều trị của bác sĩ ở tất cả bệnh viện các tuyến đồng đều, đảm bảo.

Vấn đề giảm tải bệnh viện là rất nan giải. Thực tế, ngay cả những bệnh viện tuyến Trung ương đã “bắt tay” hợp tác công-tư với bệnh viện tư nhân chỉ mới dừng ở mức hỗ trợ chuyên môn như xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán. Không thể cho bác sĩ giỏi của bệnh viện công sang bệnh viện tư “mổ thuê”, vì phải bảo đảm nhân sự giỏi phục vụ nhu cầu của đa số người bệnh. Trong khi đó, ở bệnh viện tư chủ yếu là cán bộ y tế quản lý đã nghỉ hưu hoặc bác sĩ trẻ chưa tìm được việc, ký hợp đồng.