Mắt nhắm, mắt mở

ANTĐ - Các nhà quản lý, các chuyên gia thị trường thường khuyên người tiêu dùng tìm đến các thương hiệu lớn, có uy tín lâu năm để được đảm bảo về chất lượng hàng hóa, tránh bị rủi ro, thiệt hại cả về tiền bạc lẫn sức khỏe, tính mạng. Tuy vậy, sau bê bối thịt quá hạn ở Trung Quốc, lời khuyên này có vẻ như mất đi phần nào giá trị, khiến người tiêu dùng hoang mang. Vấn đề đặt ra là vì sao người dân luôn phải tự giải quyết những bài toán khó này, trong khi đã có những cơ quan được giao trách nhiệm giám sát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?

Dù rằng những năm qua, ở Trung Quốc đã xảy ra không ít bê bối liên quan đến thực phẩm bẩn, song vụ cung ứng thịt quá hạn tại công ty thực phẩm Husi Thượng Hải gây tác động rất lớn đến người dân nước này, bởi nó mang “yếu tố nước ngoài”. Quá sợ hãi với thực phẩm “nội địa”, từ sữa chứa Melamine, phụ gia biến thịt lợn thành thịt bò, đến dầu bẩn, bánh bao nhân carton, trứng cao su…, người tiêu dùng Trung Quốc nhiều năm qua nghiêng về hàng nhập khẩu hoặc thương hiệu nước ngoài. Chính vì vậy, họ thấy sốc hơn khi bị doanh nghiệp nước ngoài lừa dối, và quan trọng hơn là giờ đây họ không còn biết tin ai. 

Dù rằng chưa có thông tin nào cho thấy các chuỗi nhà hàng ăn nhanh mang thương hiệu ngoại ở Việt Nam dính dáng đến bê bối thịt bẩn trên, nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn quan tâm đến sự kiện lần này. Vì “trông người lại ngẫm đến ta”. Những năm gần đây, tâm lý ưa chuộng hàng ngoại ngày càng lan rộng, trong quan niệm của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam thì hàng của nước ngoài mới tốt. Điều đó không chỉ tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước, mà còn tạo tâm lý dễ dãi sính ngoại, mờ mắt trước những thương hiệu nước ngoài trong khi thiếu kiểm chứng về xuất xứ, chất lượng, tem nhãn… 

Nhưng dù sao cũng không thể đổ lỗi cho người tiêu dùng, không thể bỏ mặc người tiêu dùng. Bởi, việc để tồn tại trên thị trường những sản phẩm kém chất lượng là lỗi của cơ quan quản lý còn...mắt nhắm, mắt mở, còn lơ là trách nhiệm. Sau bê bối ở Husi, nhiều người Trung Quốc đặt câu hỏi: Vì sao các cơ quan quản lý luôn đi sau báo chí, chỉ biết và vào cuộc sau khi vụ việc đã được công khai? Vậy trách nhiệm giám sát ở đâu? Việc quản lý, giám sát an toàn thực phẩm ở các công ty chuyên doanh, nhất là công ty có vốn đầu tư nước ngoài thực sự khó tới mức không làm được? Không làm được hay không làm? 

Đó là những câu hỏi thường được người dân đặt ra sau những bê bối về an toàn thực phẩm mà cơ quan quản lý nhà nước có khi lại chỉ đóng vai trò...xử lý “vuốt đuôi”. Thậm chí ngay cả khi các vụ việc vi phạm đã được báo chí đăng tải, nhưng vì chưa có hậu quả nghiêm trọng nên cơ quan chức năng vẫn thản nhiên: “Chúng tôi chưa nắm được thông tin” hoặc “Sẽ cho xác minh”... 

Việc xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm nói riêng cũng như lĩnh vực nóng khác nói chung, luôn cần sự vào cuộc nhanh chóng, khẩn trương với đầy đủ tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.