Lực cản đáng lo ngại

ANTĐ - “Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2014 dự báo ở mức 5,4%, cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực, nhưng mức tăng chưa xứng với tiềm năng. Mặc dù ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện, song tăng trưởng kinh tế vẫn thấp”. Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới nhận định như vậy trong báo cáo “Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam” vừa được tổ chức này công  bố. Vị giám đốc cho biết thêm, triển vọng dài hạn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế đến đâu để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Báo cáo chỉ rõ, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu các mặt hàng chế tạo tăng mạnh là hai nhân tố chính góp phần vào tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh mức độ lạc quan trong kinh doanh được cải thiện. Mức độ lạc quan đạt chỉ số cao nhất với con số 66 điểm quý II/2014. Cán cân thương mại đã bắt đầu đổi chiều, cán cân thanh toán vãng lai thặng dư ở mức thấp, thay vì thâm hụt như trước đây. Dẫu vậy, theo chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như cầu trong nước còn yếu do lòng tin của doanh nghiệp tư nhân chưa đủ mạnh, tỷ lệ nợ trên vốn của doanh nghiệp nhà nước và tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại còn cao.

Việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng bắt đầu bán nợ xấu vào quý III/2014, được đánh giá là một động thái quan trọng, nhưng vấn đề là quá trình này phải được thực hiện công khai, minh bạch, chia sẻ thông tin. Mặt khác, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện thiếu sự phối hợp điều hành giữa các cơ quan quản lý, điều phối khiến những ưu đãi, hỗ trợ không đến được tay doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều cơ quan không tìm được tiếng nói chung khiến các chính sách ưu đãi không tạo ra kết quả.

Một trong những điểm quan trọng trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới là vấn đề bất bình đẳng thu nhập, nhất là nhóm dân cư đô thị. Hiện đã có những nhu cầu gia tăng đáng kể trong các chính sách an sinh xã hội để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng ở Việt Nam. Những thành quả của tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô phải được thể hiện cụ thể trong mức sống, thu nhập của nhóm dân cư hiện chiếm 40% dân số. Nhìn trong hiện tại và lâu dài, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, việc chậm trễ trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, chính là lực cản đáng lo ngại kìm hãm, ngáng trở mức tăng trưởng kinh tế ở dưới tiềm năng. Điều này không chỉ khiến nền kinh tế chưa thực sự khởi sắc, lấy lại mức tăng trưởng như mong muốn, mà còn kéo theo những hệ lụy xấu cho giới doanh nghiệp, người lao động cũng như tầng lớp dân cư thu nhập thấp.