Kiểu gì cũng có lợi

ANTĐ - Đã 13 năm nay tồn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT và sau đó là kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ gồm 3 đợt khiến việc thi cử hết sức nặng nề, tốn kém. Với kỳ thi chung đã có rất nhiều hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất của các nhà giáo, giới chuyên gia cũng như công luận xã hội. Việc đổi mới kỳ thi đã được Nghị quyết 29 chỉ đạo giao việc tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ và đổi mới 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh sao cho kỳ thi chung nhẹ nhàng; cùng một lúc đạt 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và làm dữ liệu để tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ.

Tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ năm 2014 vừa được tổ chức, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã lấy ý kiến của các sở GD-ĐT trên cả nước, ý kiến của công luận và của hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ. Bộ sẽ tổng hợp, chốt phương án cuối cùng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có ý kiến của Thủ tướng, ngành giáo dục sẽ công bố bắt đầu từ năm 2015 thực hiện một kỳ thi quốc gia. Trong hội nghị này, nhiều hiệu trưởng các trường đã bàn cách tổ chức kỳ thi quốc gia để đảm bảo sự nghiêm túc, độ tin cậy và có tính phân hóa để làm công tác tuyển sinh.

Nếu không đáng tin cậy, các trường phải tổ chức thêm một kỳ thi riêng sẽ phức tạp và tốn kém hơn nhiều. Không chỉ đổi mới kỳ thi, việc ra đề thi có thể sử dụng kết quả xét tốt nghiệp phổ thông và một phần kiến thức nâng cao, có tính phân loại và đánh giá năng lực để có thể dùng làm kết quả cho tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Tuy vậy, với cách dạy và học ở phổ thông hiện nay hầu như chưa thay đổi gì, thì dù đề thi theo môn thi hay tổng hợp gồm nhiều môn thì vẫn là kiến thức của những môn riêng lẻ. Vì thế, đại diện Bộ GD-ĐT trấn an thí sinh không cần phải quá lo lắng vì cách thi không có gì thay đổi. Đặc biệt, thí sinh có thể thi 1 kỳ thi nhưng có thể sử dụng kết quả tuyển sinh, tùy theo kết quả đạt được, thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường phù hợp. Như vậy, nội dung và cách sử dụng kết quả đều có lợi cho thí sinh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, người dân rất quan tâm thi làm sao rõ ràng, công bằng và bớt nhiêu khê để dân đỡ vất vả. Người dân muốn biết con em họ học ở trường nào phù hợp nhất, trường nào học ra có việc làm, có thu nhập, có thể học lên và thăng tiến.