Khó gỡ “bẫy thanh khoản”

ANTĐ - Những thành quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam khiến tăng trưởng GDP trong 2 năm 2014-2015 được dự báo ở mức 5,5% và 5,6%. So với con số dự báo đưa ra đầu năm 2013, mức điều chỉnh được tăng lên 0,1% và 0,2%, triển vọng vài năm tới mức tăng trưởng sẽ lạc quan hơn do những nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh cổ phần hóa và xử lý nợ xấu. Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo cập nhật kinh tế vùng Đông Á – Thái Bình Dương. Báo cáo cũng chỉ rõ, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với những bất lợi, vì thế buộc phải nới lỏng tài khóa và tiền tệ để kích cầu khu vực kinh tế tư nhân.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị, các định chế tài chính vẫn yếu kém nên hoạt động cho vay sẽ rất khó khăn, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn chỉ tiêu. Bản thân các ngân hàng cũng sẽ tăng cường mua trái phiếu chính phủ thay vì cho vay vì sợ tiếp tục mắc nợ xấu. Trong bối cảnh này, các ngân hàng thương mại Nhà nước và thương mại cổ phần đã điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn về mức thấp hơn mức lãi suất tối đa với tiền gửi VNĐ. Theo Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại còn tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay với một số doanh nghiệp có tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Một số chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, nhờ 3 tháng đầu năm nay lạm phát giảm ở mức thấp nhất kể từ năm 2005 trở lại đây, mặt bằng lãi suất trên thị trường có khả năng giảm thêm trong thời gian tới.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cùng với diễn biến, lãi suất huy động giảm, chỉ số giá tiêu dùng cuối quý I chỉ tăng 0,8% so với cuối năm 2013 cũng tạo điều kiện giảm lãi suất đầu ra. Tình hình này tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Tuy thế, lãi suất cho vay có thể giảm sâu thêm, không đồng nghĩa với khả năng đồng vốn đẩy ra thị trường sẽ tăng tốc ngay, ít nhất trong một vài tháng tới. Nhóm chuyên gia phân tích tài chính nhận xét, dường như nền kinh tế đang bị mắc kẹt trong cái “bẫy thanh khoản”. Tức là, trái ngược với thanh khoản dư thừa và lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp do các ngân hàng không cho vay được. Lãi suất giảm là hợp lý, song các doanh nghiệp đủ điều kiện cho vay lại không nhiều. Các ngân hàng chỉ có thể cho vay vốn rẻ với khách hàng “tốt” chứ không thể “chiều” theo các doanh nghiệp vừa muốn giảm lãi suất cho vay, vừa nới lỏng điều kiện cho vay. 

Xu hướng giảm lãi suất sẽ chưa dừng lại, ngay cả khi mặt bằng lãi suất đã chạm sát đáy của năm 2005, thì ngân hàng cũng không thể “chiều lòng” cho doanh nghiệp vay… vô điều kiện. Trong khi đó, lượng tiền người dân gửi vào ngân hàng chưa có dấu hiệu chững lại. Đây quả là rất khó gỡ “bẫy thanh khoản” với cả ngân hàng và doanh nghiệp.