Khi người dân đồng thuận

ANTĐ - Luật Đất đai sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2014 với nhiều điểm mới như quy định cụ thể hóa các quyền, nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất, bổ sung những nội dung cơ bản trong việc điều tra, đánh giá về tài nguyên đất đai. Luật cũng quy định cụ thể, việc mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch. Luật tạo nên một nền tảng pháp lý cho một giai đoạn phát triển mới, góp phần giảm sự bức xúc của người dân bị dồn nén về khiếu kiện, khiếu nại đất đai.

Những bức xúc của người dân liên quan đến đất đai đã tích tụ trong nhiều năm qua, khó giải tỏa được ngay mà cần có thêm nhiều thời gian sau khi luật đi vào cuộc sống. Một trong những điểm “nóng” nhất, cần nhiều thời gian giải quyết, theo ý kiến của ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân đã và đang tồn tại tình trạng “3 không”. Không ít dự án “treo”, công bố xong rồi “bỏ quên” nhiều năm. Có những dự án sau khi công bố quy hoạch thì triển khai cầm chừng. Đất bỏ hoang nhưng không cho dân sản xuất, không cho xây nhà ở. Cái “không” thứ ba đáng lo hơn cả là không chịu trách nhiệm. Có những dự án lợi ít, hại nhiều nhưng không có ai chịu trách nhiệm, không bị xử lý. Vấn đề thu hồi đất, được đánh giá là nguyên nhân lớn nhất hiện nay gây ra những khiếu kiện.

Trong Luật Đất đai sửa đổi đã xác định rõ và quy định cụ thể nhằm khắc phục hiệu quả những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, tạo nên dư luận xấu trong xã hội. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia và luật gia, vấn đề quan trọng là phải xác định rõ và hợp lý những trường hợp nào được xếp vào mục đích phát triển kinh tế xã hội để tránh bị lạm dụng nhằm mang lại lợi ích nhóm, lợi ích riêng. Trong khi nhiều địa phương chật vật trong thu hồi đất, đền bù, tái định cư thì TP Đà Nẵng và TP.HCM đã có những cách làm khá hiệu quả.

Tại cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của hai địa phương này, kết luận được rút ra là: phải có quy định cụ thể công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo hài hòa lợi ích nhóm của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất. Việc thu hồi đất theo dự án phải dựa trên nguyên tắc đối thoại, thỏa thuận và đồng thuận giữa chính quyền và người dân; giữa nhà đầu tư và người dân, đồng thời áp dụng đa dạng các phương thức bồi thường, hỗ trợ tái định cư; áp dụng cơ chế định giá đất độc lập và Hội đồng thẩm định giá đất khi Nhà nước quyết định giá cụ thể. Toàn bộ công tác quy hoạch, kiểm tra, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư đều do chính quyền đảm nhiêm. Nhà đầu tư nhận đất theo dự án là “đất sạch”.

Các chuyên gia cho rằng, kinh nghiệm thành công của hai thành phố trên có thể áp dụng ở các địa phương. Mọi “nút thắt” khó tháo gỡ trong lĩnh vực đất đai phức tạp đều có thể giải quyết khi người dân đồng thuận.