Gỡ mọi rào cản doanh nghiệp

ANTĐ - Giải pháp tăng cường chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là nội dung cuộc hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức, thu hút sự quan tâm của các đại diện cơ quan quản lý Nhà nước cũng như giới doanh nghiệp. Trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước có 37.612 doanh nghiệp phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng số vốn của các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là 291.600 tỷ đồng, chiếm tới 84,5% tổng số vốn bổ sung từ đầu năm đến nay.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, Cục trưởng Cục Đầu tư, Bộ Kế hoạch-Đầu tư đưa ra một thực trạng tồn tại lâu nay gây khó khăn, cản trở hoạt động của giới doanh nghiệp. Đó là quá nhiều giấy phép con, tính sơ bộ lên tới hơn 400 giấy phép “hành hạ” doanh nghiệp. Trong số đó, có 121 loại giấy phép kinh doanh, 81 loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, 12 loại xác nhận vốn pháp định, 34 chứng chỉ hành nghề. Chưa hết, còn có 133 loại giấy tờ chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và 17 yêu cầu khác.

Đây chính là những nút thắt mà doanh nghiệp không thể tự tháo gỡ. Theo quy định của pháp luật hiện hành, đang có 368 ngành nghề đầu tư có điều kiện, đây là điểm “sống còn” cần sửa đổi trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Các ngành nghề đầu tư có điều kiện chính là “mảnh đất” phát sinh ra giấy phép con làm khó doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ Kế hoạch-Đầu tư đang rà soát và hệ thống lại các danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện để loại bỏ những giấy phép con không cần thiết và giảm số lượng lĩnh vực đầu tư, kinh doanh này. Vị Cục trưởng nhấn mạnh, ai cũng biết rào cản hoạt động đầu tư, kinh doanh ở nước ta chính là hệ thống pháp luật, chính sách chồng chéo, nhiều quy định chưa phù hợp như chính sách ưu đãi đầu tư, quy định về quản lý lao động và chuyển giao công nghệ. Khảo sát nhiều nền kinh tế trên thế giới cho thấy, hiện nay Việt Nam đang làm ngược lại. Họ áp dụng mô hình quản lý hình chiếc phễu đứng, tức là cấp phép dễ dàng nhưng quản lý rất chặt chẽ. Còn ở ta, cấp phép đầu tư, kinh doanh quá chặt, “hậu” cấp phép thì lại buông lỏng, dễ dãi.

Nhìn sâu hơn về thực tế khó khăn của doanh nghiệp, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, doanh nghiệp năng lực thì ít, tư duy căn bản lại rất thiếu, nhưng tư duy ngắn hạn lại nhiều. Trong khi đó, tình trạng “hành” doanh nghiệp chưa chấm dứt, rào cản còn tồn tại trong hệ thống pháp luật.