Đừng lạm thu phí

ANTĐ - Tình trạng lạm thu phí, lệ phí đang xảy ra phố biến trên mọi lĩnh vực, từ thành thị đến nông thôn. Phí chồng phí đang đè gánh nặng lên người dân và doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế khó khăn. Đây là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội tại phiên điều trần của Ủy ban    Tài chính – ngân sách về việc thực hiện pháp luật thu, chi và quản lý các loại phí và lệ phí. Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận có tình trạng thu một số khoản không phải phí và lệ phí.

Một số đại biểu Quốc hội tỏ ra bức xúc trước tình trạng hàng trăm loại phí, lệ phí “đè” lên người dân. Có những loại phí đang được thu không có văn bản pháp luật quy định như phí chung cư, phí dịch vụ chuyển tiền. Đó là chưa nói đến hàng chục khoản đóng góp tự nguyện, người dân lầm tưởng đó là phí. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt câu hỏi: Liệu có lợi ích cục bộ của ngành, địa phương trong việc thu phí, lệ phí hay không? Bộ trưởng Tài chính giải trình, hiện nay chỉ có 301 loại phí và lệ phí. Thực tế cho thấy, khi phát sinh một số khoản phải nộp, có sự hiểu lầm của người dân rằng đó là phí và lệ phí. Ở một số địa phương thu một số loại không có trong danh mục nhưng vẫn mang tên phí, lệ phí. Chẳng hạn các khoản thu xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài quy định như đường giao thông, trường học, cơ sở y tế; các khoản thu quỹ khuyến học, quỹ từ thiện. Có trường hợp được miễn thu nhưng địa phương vẫn thu như quỹ quốc phòng, an ninh gây nhầm lẫn cho người dân.

Ngoài ra, một số khoản thu là giá dịch vụ, song tổ chức, cá nhân thu thường lạm dụng gọi là phí, lệ phí như phí dịch vụ chung cư, phí bến bãi, ra vào khu công nghiệp… Đó là những khoản thu theo cơ chế giá dịch vụ, hoàn toàn không phải là các khoản thu phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước. Phần giải trình của Bộ trưởng Tài chính về trách nhiệm của Bộ chưa thuyết phục, một số đại biểu chất vấn: Căn cứ vào đâu để thu những khoản nhập nhằng giữa giá dịch vụ và phí, bởi ở nhiều nơi có chính quyền đứng đằng sau doanh nghiệp? Thu phí để làm dịch vụ tốt hơn, nhưng nhiều khoản thu mà dịch vụ không ra gì. Vậy cơ quan nào kiểm tra, thanh tra để phát hiện và chế tài xử lý ra sao? Nhiều đại biểu cũng quan tâm đến chuyện thu phí bảo trì đường bộ trong khi vẫn duy trì các trạm thu phí. Xe nộp phí bảo trì đường bộ nhưng vẫn phải đi qua những con đường có trạm thu phí BOT của doanh nghiệp, có những cung đường trạm thu rất dày. Đặc biệt, phí bảo trì đường bộ đối với xe máy chỉ thu được 20%, trong khi chi phí tổ chức thu quá lớn. Một số đại biểu đề xuất, xe máy là phương tiện thiết yếu của người dân, phí này giá trị không lớn, chi phí quản lý lại quá nhiều, nên chăng bỏ thu đối với loại phương tiện này. 

Kết luận phiên điều trần, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát, chấn chỉnh tình trạng lạm thu phí, lệ phí; phí chồng phí nhưng chất lượng, dịch vụ kém. Nhiều loại không phù hợp, phí chồng lên phí. Trong khi thanh tra rất nóng thì xử lý lại rất nguội, mấy năm chỉ xử lý hành chính được 4 trường hợp.