Dự án nhà “trên giấy”

ANTĐ - Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch-Đầu tư vừa công bố cho biết, hiện cả nước có khoảng 1,9 triệu lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó 70% là người ngoại tỉnh. Chưa kể hàng triệu công nhân, lao động tại các xí nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn thuộc các cụm công nghiệp. Tuy vậy, chỉ có 20% người lao động có chỗ ở ổn định, 80% đang phải thuê nhà trong điều kiện ăn ở tồi tệ. Đặc biệt, chỉ có 18,9% gia đình công nhân gửi con vào các cơ sở mầm non công lập, còn 81,1% phải gửi ở các nhóm trông giữ trẻ tự phát hoặc đưa về quê. Chuyện “an cư lạc nghiệp” ngày càng nan giải mặc dù đã có những ưu đãi phát triển nhà ở cho người lao động.

Những vấn đề bức xúc nhất của người lao động được phản ánh cụ thể trong một cuộc điều tra, khảo sát tại 72 doanh nghiệp tiêu biểu cho 3 miền, vừa được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện. Theo đó, mức độ bức xúc xếp theo tỷ lệ như sau: tiền lương thỏa đáng: 60%, việc làm ổn định: 64%, có nơi giữ trẻ an toàn: 35,1%, được mua nhà hoặc thuê của doanh nghiệp hoặc nhà nước: 23%, bữa ăn ca có chất lượng và an toàn: 41,9%, thực hiện các chế độ bảo hiểm: 38,6%.

Trong những nỗi bức xúc của người lao động, chuyện tiền lương, việc làm ổn định gần như không nằm trong tầm tay của công ty doanh nghiệp. Song, điều kiện làm việc hoàn toàn có thể cải thiện được. Kết quả điều tra tại hơn 70 doanh nghiệp với 1.700 người lao động cho thấy, công nhân rất bức xúc về an toàn, vệ sinh lao động. Họ còn bị thiệt thòi vì tăng ca nhiều nhưng chế độ đãi ngộ thấp. Theo Bộ luật Lao động, người lao động không được làm thêm quá 300 giờ/năm. Điều tra cho thấy, có 46% công nhân làm thêm giờ tới 20,5 giờ/ tháng. Tại các doanh nghiệp dệt may, giày da, điện tử số giờ làm thêm cao tới 52 giờ/tháng. Không một người lao động nào cho biết họ muốn làm thêm giờ, nhưng vì lương quá thấp không đủ sống nên buộc lòng phải làm tăng giờ, tăng ca. Mức lương trung bình hiện chỉ là 3,667 triệu đồng/người/tháng. Đã thế, doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, công nhân không được thanh toán chế độ kịp thời.

Căng thẳng, bức xúc nhất là nhà ở, nhất là tại các khu công nghiệp ở Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp của Hà Nội là rất lớn, bức thiết, trong khi mới đang ở giai đoạn thí điểm và chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu. Hiện cả thành phố có 18 khu công nghiệp,  trong đó có 8 khu tập trung với 200.000 công nhân, nhưng mới chỉ có một vài khu nhà ở. Nhà đầu tư kêu rằng, vốn quá lớn, thu hồi vốn chậm, hiệu quả đầu tư thấp, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn nên rất ít doanh nghiệp mặn mà. Nếu nhà nước không “bơm” vốn vay ưu đãi, chắc chắn dự án nhà ở công nhân vẫn chỉ nằm “trên giấy”. Có thể giao cho ngân hàng chính sách xã hội hoặc một số ngân hàng thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước nhiệm vụ cho vay để xây nhà ở cho công nhân.