Đoạn trường “chạy” thủ tục

ANTĐ - Theo nội dung ghi trên trang web của Sở Xây dựng các địa phương, thủ tục cấp phép xây dựng dự án diễn ra rất đơn giản. Trình tự chỉ có 4 mức, thời hạn tối đa 20 ngày trả kết quả, giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, đi kèm với 4 bước còn có cả chục điều kiện ràng buộc trong Luật Xây dựng cùng hơn 20 nghị định, thông tư và quyết định khác. Trước đây, thủ tục đơn giản, nhưng càng về sau càng nhiêu khê, khiến một dự án phải mất 3-7 năm mới khởi công được. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng từ nay đến năm 2015 phải cắt giảm ít nhất 1/3 thủ tục đầu tư xây dựng.

Trở lại thời điểm năm 2006, trước khi có Nghị định 90/CP được coi là dễ thở nhất đối với các doanh nghiệp địa ốc. Các dự án chỉ mất khoảng một năm là có thể khởi công xây dựng, sau khi chủ đầu tư nhận được quyết định giao đất của UBND thành phố và thỏa thuận quy hoạch của Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Một số thủ tục không cần phải thẩm định trước. Sau khi có Nghị định 90, các dự án nhà ở phải được Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và phê duyệt phương án đầu tư.

Từ khi Nghị định 71/CP ra đời thay thế Nghị định 90/CP, việc khởi công dự án đòi hỏi thêm giấy phép xây dựng. Với những thủ tục phát sinh mới, đại diện một số công ty địa ốc nhận xét, doanh nghiệp phải mất 2-3 năm mới có thể khởi công. Năm 2012, khi Nghị định 64/CP có hiệu lực, mọi việc càng trở nên khó khăn hơn. Việc cấp phép xây dựng chỉ diễn ra khi dự án được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc cấp giấy này chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư hoàn tất bồi thường toàn bộ dự án và thực hiện nghĩa vụ tài chính, tức là đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Trên thực tế, nhiều dự án vướng ở khâu này vì việc đền bù chỉ được 80-90% diện tích, phần còn lại thực hiện rất chậm, nên thời gian cấp giấy phép kéo dài thêm vài năm. Việc xác định số tiền sử dụng đất phải nộp nhanh hay chậm còn tùy chứng thư thẩm định giá có được Sở Tài chính chấp nhận hay không, chưa kể thời gian cơ quan chức năng thẩm tra bản vẽ thiết kế kỹ thuật theo Nghị định 15/CP.

Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp, “đoạn trường” thủ tục hành chính là do quá nhiều nghị định đưa ra những quy định, giấy tờ không cần thiết. Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, thủ tục nào cần quản lý chặt thì phải siết chặt; quy định nào không cần thiết thì phải loại bỏ. Muốn bỏ bớt thủ tục không thể kêu gọi suông, mà phải bằng văn bản pháp quy mới thực hiện được.