Có quyết “cắt” hay không

ANTĐ - Đề cập đến việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tuy đã có một bước tiến dài, song cần thúc đẩy quyết liệt hơn để đầu tư công thực sự mang lại hiệu quả, khắc phục đầu tư dàn trải, chống thất thoát và lãng phí. Hơn 2 năm trước, Thủ tướng cũng đã nhiều lần yêu cầu rà soát, cắt giảm những dự án đầu tư chưa cần thiết, kém hiệu quả như một giải pháp quan trọng để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ GTVT là một trong số ít cơ quan quản lý Nhà nước đi tiên phong thực hiện ráo riết chỉ đạo của Chính phủ. Chỉ với một động thái rà soát lại 44 dự án do mình trực tiếp quản lý, Bộ này đã tiết giảm tới 39.365 tỷ đồng chi phí đầu tư.


Chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm 2014, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thông báo, đã rà soát 25 dự án và phát hiện ra những bất hợp lý và đề nghị cắt bỏ, nhưng trước đó, từ khâu tư vấn đến người thẩm định đều không “nhìn thấy”. Theo Cục Quản lý, nhiều dự án bị đội vốn do thiết kế nhiều hạng mục không cần thiết, thiết kế không phù hợp, thậm chí quá mức cần thiết. Cục này cho rằng, việc tiết giảm chi phí không hề ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Mặc dù ghi nhận nỗ lực đáng biểu dương của Bộ GTVT, nhưng dư luận nhận xét, sự kiện này không thể “ghi công” mà lại là bằng chứng cho thấy một thực trạng đáng lo ngại trong quản lý dự án ở  giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Vì sao các dự án còn nhiều khiếm khuyết lại có thể “lọt cửa” các cơ quan thẩm định để được chủ đầu tư phê duyệt và cho triển khai? Tại sao các đơn vị tư vấn lại “nặn” ra những hạng mục không cần thiết, những thiết kế không phù hợp để “đẻ ra” thêm chi phí đầu tư? Ngay cả những người ngoài ngành cũng không thể chấp nhận những bất cập trên là do trình độ chuyên môn tư vấn kém. Nên nhớ rằng, trong nhiều dự án đầu tư lớn, đã có không ít công trình do các công ty, tập đoàn Việt Nam thắng thầu, cạnh tranh ngang ngửa với nhà thầu nước ngoài. Điều này cho thấy, hàng chục dự án vừa được rà soát, “soi lại” của ngành giao thông hầu như chẳng liên quan gì đến trình độ chuyên môn, kinh nghiệm. Ngay cả những dự án được xếp hạng, “cấp bách”, “cấp thiết” cho nền kinh tế cũng “lòi” ra hạng mục không cần thiết, thậm chí là lãng phí.

Chỉ riêng ngành giao thông vận tải, mới chỉ bước đầu rà soát gần 50 dự án mà đã có thể cắt giảm được số tiền rất lớn, chiếm tới 15% tổng dự chi ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển năm 2014. Còn hàng chục nghìn dự án đang và sẽ triển khai ở các bộ, ngành và địa phương, nếu cũng rà soát, cắt giảm thì số tiền sẽ lớn đến chừng nào. Vấn đề là họ có quyết “cắt” hay không, có xót xa tiền của dân, của nước hay không.