Cổ phần hóa không quá sức

ANTĐ - Sau một thời gian bị chững lại, trong hai năm 2014-2015, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước sẽ khởi động trở lại và kỳ vọng thuận lợi hơn, bởi chưa bao giờ, chủ trương cổ phần hóa lại đạt được sự đồng thuận lớn của các cấp và quyết tâm cao từ nghị quyết của Quốc hội cho đến các nghị định, chỉ thị hướng dẫn của Chính phủ hết sức rõ ràng và minh bạch. Đó là nhận định của Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Từ khi bắt đầu vào năm 1990 đến nay, có thể nói số lượng doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa trong 2 năm 2014-2015 không phải là quá sức. 

Đánh giá mục tiêu cổ phần hóa (CPH) trong 2 năm, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) cho rằng, trong 10 năm (2001-2010), cả nước đã CPH được gần 4.000 DN, bình quân mỗi năm đạt 400 DN. Những năm cao nhất như 2004-2006, mỗi năm CPH được 700-800 DN. Như vậy, trong năm 2014, 2015, mỗi năm CPH 216 DN không đến mức quá nặng. Song, thực tế trong 3 năm qua, tiến độ CPH diễn ra quá ì ạch, chậm trễ chưa từng thấy trên chặng đường 20 năm thực hiện.

Theo vị Phó trưởng ban, có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là nhiều nơi chưa làm tốt, người đứng đầu chưa thực sự “ra tay”. Nay cần phải làm quyết liệt, phải tạo ra sức ép từ trên xuống, từ cơ sở lên và từ xã hội. Ban chỉ đạo đặc biệt nhắc nhở Hà Nội, TP.HCM, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải… còn tới 183/432 DN phải tập trung CPH quyết liệt.

Đây là những nơi có điều kiện hạ tầng, mức sống của người dân, sự quan tâm của nhà đầu tư hơn nơi khác nên có tiền đề CPH thuận lợi hơn. Trong số các địa phương được “nêu danh” về sự trì trệ trong thực hiện tiến trình này, TP.HCM và Hải Phòng đã thoát khỏi danh sách “đội sổ”. Riêng Hà Nội, nơi có hơn 40 DN phải hoàn thành CPH từ nay đến năm 2015, nhưng đến nay chưa có nhiều động thái chuyển biến. Giải trình trước Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, không phải Hà Nội “đóng cửa” không tiếp tục CPH mà vì Hà Nội có quá nhiều DN Nhà nước nên việc CPH có khó khăn, phức tạp, không đạt được tiến độ như mong muốn. Hà Nội đang rà soát, sắp xếp các DN Nhà nước và cam kết sẽ đẩy nhanh tiến trình này. 

Cổ phần hóa đã rộng đường, song để mục tiêu này không quá sức, Ban chỉ đạo cho rằng, đã có đủ cơ chế kiểm soát để đảm bảo thực thi một cách công khai, minh bạch. Đặc biệt, tránh tình trạng chạy theo mục tiêu CPH dẫn đến thất thoát, bán đổ, bán tháo tài sản Nhà nước. Không ít công ty Nhà nước làm ăn tương đối tốt nhưng không dễ dàng bán cổ phần.