Có muốn giảm hay không?

ANTĐ - Hầu như đã thành quy luật, trước mỗi kỳ họp của Quốc hội, giá xăng dầu giảm nhỏ giọt để rồi tăng vọt. Sau khi Quốc hội bế mạc, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, người dân “đã quen với giá xăng thay đổi”. Thực ra, người dân buộc phải thích nghi và chấp nhận, ngay cả khi giá xăng dầu đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Nhiều chuyên gia chỉ rõ, giá xăng ở Việt Nam cao hơn Mỹ tới 4.000 đồng/lít. Đây là một nghịch lý khi thu nhập bình quân đầu người của Mỹ cao hơn 30 lần Việt Nam. Thử mổ xẻ nguyên nhân để có thể giảm hay không.

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế vĩ mô, xăng tăng giá liên tiếp đã tạo ra cú sốc đối với người tiêu dùng, vì tần suất tăng quá dày đặc và mức tăng quá cao. Chính sách thuế, phí đang bất hợp lý, không thể vì ngân sách Nhà nước khó khăn mà tận thu, đẩy khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chắc chắn việc tăng giá xăng sẽ kích thích lạm phát từ nay đến cuối năm. Xăng tăng giá, hàng loạt hãng vận tải sẽ tăng giá cước vì các doanh nghiệp đang chịu lỗ, các mặt hàng thực phẩm, thịt, trứng, rau củ quả cũng mượn cớ “đồng hành” tăng giá mạnh.

Công bố của Bộ Tài chính khiến người tiêu dùng bất ngờ vì số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu lên tới 1.600 tỷ đồng, trong khi thuế nhập khẩu ở mức rất cao: 18%. Đây chính là nguyên nhân khiến việc điều hành giá xăng dầu chưa phù hợp, chưa tính đến lợi ích của người dân. Hiện nay, để tiêu thụ mỗi lít xăng, dầu, người tiêu dùng phải “gánh” 6.000-8.244 đồng/lít thuế thu nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường. Chưa hết, dù phải gồng mình nộp thuế xăng dầu, người tiêu dùng còn phải nộp thêm 300 đồng để xây dựng quỹ bình ổn. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang còn nhiều khó khăn, sức mua èo uột, việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến đầu vào của nhiều sản phẩm tăng thêm.

Để chia sẻ khó khăn với người dân, các chuyên gia kiến nghị Bộ Tài chính cần tăng mức sử dụng số dư 1.600 tỷ đồng của quỹ bình ổn, một khoản không nhỏ của người dân đóng góp. Hơn thế, người dân không có trách nhiệm phải bình ổn giá, mà là trách nhiệm của doanh nghiệp, họ nghiễm nhiên được sử dụng hàng nghìn tỷ đồng của dân. Thực tế có thể giảm được giá xăng dầu nếu điều chỉnh chính sách về thuế, phí trong cơ cấu giá. Trong khi đó, cơ sở định giá chưa rõ ràng, minh bạch và cứng nhắc. Vấn đề là cơ quan thẩm quyền có muốn giảm hay không để “hài hòa” lợi ích Nhà nước-doanh nghiệp-người dân?