Chưa động đến “gốc rễ”

ANTĐ - Đề án nghiên cứu cải cách thể chế kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014-2020 sẽ tập trung vào 5 chuyên đề, trong đó trọng tâm là đổi mới tư duy và quan điểm phát triển; cải cách toàn diện thể chế kinh tế chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường… Một thành viên tổ soạn thảo Đề án này nhấn mạnh, cải cách thể chế phải bắt đầu từ con người, phải cải cách tư duy và phương pháp lãnh đạo, giám sát. Thể chế kinh tế gồm ba bộ phận chính: hệ thống pháp luật, chính sách, điều kiện, quy định thực hiện và bộ máy tổ chức thực hiện. Phải đổi mới cả ba, không chỉ đơn thuần cải cách quy định pháp luật.

Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch – Đầu tư về cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, thực tế nhiều lúc, nhiều nơi không phải do thủ tục mà là do con người. Thủ tướng chỉ đạo: “Thay thế ngay những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc” và cương quyết trong năm 2014 giảm tới 50% thời gian thực hiện thủ tục trong lĩnh vực thành lập, giải thể doanh nghiệp. Nguyên Thứ trưởng Bộ này cũng cho rằng, quan trọng hơn cả là phải thay đổi thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, điều khó thực hiện nhất.

Thách thức lớn nhất, phức tạp nhất mà nước ta đang phải đối mặt là bất cập về tư duy và thể chế kinh tế. Nếu không giải quyết một cách phù hợp và triệt để, nguy cơ tụt hậu xa hơn là điều khó tránh khỏi. Số lượng văn bản của các nước phát triển gấp nhiều lần Việt Nam, nhưng họ quy định rõ ràng  và đảm bảo pháp luật được thượng tôn, không chồng chéo như nước ta. Quan trọng là người thực thi chất lượng thế nào, ai giám sát. Muốn thay đổi thể chế, trước hết phải “cải tổ” con người. Từ năm 2000, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực tới nay đã có ít nhất 4 cuộc ra quân rầm rộ nhằm cải cách thủ tục hành chính. Sau mỗi đợt ra quân đã “gặt hái” được một số kết quả nhất định. Song, không ít chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cũng như giới doanh nghiệp đều nhận xét sau mỗi đợt ra quân, thủ tục hành chính, giấy phép “con” lại mọc lên như nấm. Các giấy phép “con, cháu” đã bị cắt giảm vào năm 2000 lại tái xuất. Đến nay, Bộ KH-ĐT đang làm lại công việc đã làm cách đây 14 năm, nhưng phức tạp hơn nhiều.

Câu hỏi quan trọng cần được trả lời là: Vì sao những cuộc ra quân hầu như chỉ là “rượt đuổi” không kết thúc? Nhiều ý kiến cho rằng, từ trước tới nay, cải cách thủ tục hành chính mới chỉ cắt “phần ngọn”, chưa động đến “gốc rễ” của nó là con người.