Chỉ là thuốc giảm đau

ANTĐ - Không chỉ các chuyên gia kinh tế mà cả các doanh nghiệp, công ty cũng đang tìm lời giải cho “bài toán” công nghệ trong hàng loạt dự án trị giá hàng tỷ USD do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Họ đảm nhiệm từ tư vấn thiết kế, mua sắm thiết bị cho tới xây lắp. Số liệu thống kê vừa được công bố cho thấy, từ năm 2003-2013, Việt Nam có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 dự án về tay nhà thầu Trung Quốc. Trong 24 nhà máy xi măng đã có hơn 20 nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu, chưa kể các nhà máy thép, cơ khí. Lựa chọn công nghệ là vấn đề hết sức quan trọng không chỉ từ góc độ kinh doanh mà cả từ an ninh kinh tế quốc gia.

Nếu chủ đầu tư là các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì họ phải tính toán kỹ, sai lầm về lựa chọn công nghệ và hậu quả họ phải gánh chịu. Đáng tiếc, khoản đầu tư cho các dự án trên phần lớn là của doanh nghiệp Nhà nước, không có động lực kinh doanh nên chất lượng, thiệt hại đã có “Nhà nước và nhân dân cùng chịu”. Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ, nhiều chủ đầu tư dự án không muốn ưu tiên doanh nghiệp trong nước. Các  ban quản lý cũng không muốn bóc tách ra cái nào có thể sản xuất trong nước. Đầu tư công nên rất “thích” tổng thầu nước ngoài làm tất, dễ rũ trách nhiệm.

Còn một nghịch lý là, nhập khẩu thiết bị đồng bộ cho một nhà máy thì được hưởng thuế nhập khẩu 0%, trong khi doanh nghiệp Việt Nam mua vật tư để chế tạo thiết bị thì lại chịu thuế nhập khẩu cao, như vậy là khuyến khích nhập siêu. Nếu để doanh nghiệp trong nước nội địa hóa được 30-40% sẽ giảm được 20-30% giá trị nhập khẩu các nhà máy công nghiệp, nhiệt điện. Thái Lan không dùng hàng cơ khí, Ấn Độ không nhập kết cấu thép “Made in China”. Vị Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, tiền đầu tư thực tế là của Việt Nam, nếu để họ làm cả thì không kích cầu được sản xuất trong nước. Nghịch lý là càng đầu tư càng kích cầu nhập ngoại. Trong khi đó, hàng Trung Quốc vừa có giá rẻ, vừa được lợi từ nhập lậu, gian lận thương mại, trốn thuế…

Những giải pháp ngắn hạn như thay đổi chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu dễ hơn, chỉ là những “viên thuốc giảm đau”, không phải là loại kháng sinh chữa dứt bệnh. Khi quan hệ đầu tư, nhập khẩu giữa nước ta với phần còn lại của thế giới gia tăng mạnh hơn so với Trung Quốc, “bài toán” công nghệ sẽ có hướng giải khả dĩ. Hậu quả của việc dùng công nghệ Trung Quốc cần phải được tính toán cẩn trọng trong tương lai.