Chật vật lên một bậc

ANTĐ - Nước ta đang trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu. Năng lực cạnh tranh là nội dung chủ yếu của chất lượng tăng trưởng trong việc chuyển đổi này. Việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa nâng bậc xếp hạng tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Việt Nam từ B2 lên B1 với triển vọng ổn định là một tin vui. Nó cho thấy kinh tế nước ta đã qua giai đoạn khó khăn nhất và ổn định trở lại. Khi đạt được mức xếp hạng cao hơn, lòng tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế sẽ tăng lên.

Lý do giải thích cho việc nâng bậc tín nhiệm của Việt Nam được Tổ chức Moody’s đưa ra là: tình hình kinh tế vĩ mô ổn định hơn với chỉ số giá cả được duy trì dưới mức 7,5% trong 26 tháng liên tục. Đây là khoảng thời gian dài nhất mà lạm phát được duy trì ở mức thấp. Điểm nổi bật là, thay vì xuất khẩu các mặt hàng sử dụng nhiều lao động như giày dép, dệt may… Việt Nam đã tập trung xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao như sản phẩm công nghệ cao, điện tử. Kim ngạch nhập khẩu có mức tăng trưởng thấp hơn đã giúp cán cân vãng lai chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Moody’s cũng nhấn mạnh Việt Nam cần đẩy mạnh cơ cấu lại nợ để giảm rủi ro như nợ chính quyền địa phương, nợ doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục tái cơ cấu mạnh hệ thống ngân hàng, cải thiện nợ xấu, nhất là nợ doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. 

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc được nâng một bậc xếp hạng là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, song cũng đừng vì thế mà quá hồ hởi. Mức xếp bậc có tiến bộ nhưng chưa phải là nền kinh tế đã nằm trong vùng hấp dẫn. Đánh giá của tổ chức quốc tế còn khá thận trọng, đây là dịp để chúng ta nhìn lại mình. Lên một bậc nhưng sức hấp dẫn môi trường kinh doanh, đầu tư có tăng lên không? Sức đề kháng của nền kinh tế đã mạnh lên chưa?

Nhìn bao quát, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta tuy được nhích lên một bậc nhưng vẫn còn thấp, đứng thứ 7 trong khu vực ASEAN. Năng lực cạnh tranh là yếu tố quyết định đến tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng lại phụ thuộc vào tăng vốn, tăng số lượng lao động và tăng năng suất. Vốn đầu tư là thứ nước ta còn thiếu nhất, do hiệu quả kinh tế còn thấp, tích lũy chưa cao. Lực lượng lao động dồi dào, có ưu thế về số lượng nhưng yếu kém về chất lượng, trình độ. Năng suất lao động theo nhóm ngành có tỷ lệ cao, thấp khác nhau do đào tạo, trình độ khoa học quyết định. Nói cách khác, để nâng lên một bậc năng lực của nền kinh tế nước ta là hết sức… chật vật.