Cần sớm “khoanh vùng” nợ xấu

ANTĐ - Chỉ số giá tiêu dùng được dùng để đo chỉ số lạm phát và sức mua của dân cư. Trong nửa đầu năm 2014, CPI so với cuối năm 2013 tăng chậm lại. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng qua chỉ tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này chưa bằng một nửa so với giai đoạn 2008-2012. Chỉ số CPI thấp có cái lợi là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng kìm hãm tổng cầu. Lạm phát quá thấp cũng không tốt, cần chấp nhận tăng ở mức hợp lý để thúc đẩy sản xuất.

Bộ Tài chính đang khẩn trương lấy ý kiến các ban, ngành và các hiệp hội doanh nghiệp về một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, đã có 50.263 doanh nghiệp ngưng hoạt động, 18.263 doanh nghiệp giải thể. Tình trạng này khiến nợ đọng thuế từ năm 2011 tới nay có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Số tiền chậm nộp có thể tăng nhanh vì Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực.

Do vậy Bộ Tài chính đề xuất, các doanh nghiệp có khó khăn về tài chính sẽ được xóa các khoản nợ tiền chậm nộp thuế và lãi phát sinh trước ngày 1-1-2014. Mặt khác sẽ xem xét miến thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án mới tại khu công nghiệp, trừ các khu nằm trong Hà Nội, TP.HCM có điều kiện thuận lợi. Hơn thế, có thể gia hạn tối đa 2 tháng thay vì phải nộp ngay số tiền thuế giá trị gia tăng của máy móc, thiết bị nhập khẩu cho dự án đầu tư có giá trị nhập khẩu từ 100 tỷ đồng trở lên. Ghi nhận những giải pháp “cấp cứu” của Bộ Tài chính, một số đại diện doanh nghiệp lớn cho rằng, nhiều doanh nghiệp rất khốn đốn không còn tiền để đóng thuế. Những giải pháp tình thế không thể giải thoát căn bản và triệt để.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ đánh giá, các biện pháp khoanh, giãn và nhất là xóa nợ tiền thuế của Nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp giảm phần nào áp lực trả nợ. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tập trung vốn vào duy trì, tăng cường sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Tuy vậy, điều mà họ thực sự cần là những giải pháp dài hơi, căn cơ và phù hợp. Chẳng hạn, doanh nghiệp rất cần giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hạ giá mặt hàng thiết yếu này. Biện pháp cấp bách giúp doanh nghiệp giảm chi phí và tăng tổng cầu lúc này là rất cấp thiết. Song, tốt nhất là nên xét lại tổng nợ rồi “khoanh vùng” nợ xấu, mở ra cho doanh nghiệp “cánh cửa” để bước vào một chặng đường làm ăn mới, không còn canh cánh nỗi lo gánh nặng nợ.