Cần nhiều công dân liêm chính

(ANTĐ) - Lần đầu tiên Việt Nam có một công dân lọt vào “chung kết” giải thưởng quốc tế. Không phải giải Olympic Toán học, Vật lý hay trí tuệ sáng tạo; cũng chẳng phải giải Oscar về điện ảnh hay âm nhạc. Đó là giải thưởng Liêm chính về chống tham nhũng do Tổ  chức  Minh bạch quốc tế sẽ được trao cho một cụ bà 75 tuổi ở Hà Nội (cụ Lê Hiền Đức).

Cần nhiều công dân liêm chính

(ANTĐ) - Lần đầu tiên Việt Nam có một công dân lọt vào “chung kết” giải thưởng quốc tế. Không phải giải Olympic Toán học, Vật lý hay trí tuệ sáng tạo; cũng chẳng phải giải Oscar về điện ảnh hay âm nhạc. Đó là giải thưởng Liêm chính về chống tham nhũng do Tổ  chức  Minh bạch quốc tế sẽ được trao cho một cụ bà 75 tuổi ở Hà Nội (cụ Lê Hiền Đức).

Có thể nói, giải thưởng tầm cỡ quốc tế này trao tặng cho tất cả những công dân Việt Nam, những người đã dũng cảm đi tiên phong trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, một “quốc nạn” của đất nước mà từ Chính phủ tới cả hệ thống chính trị đang dốc sức chống chọi, ngăn chặn.

Sự kiện hy hữu này thật trùng hợp với diễn đàn “Đối thoại về phòng, chống tham nhũng năm 2007” vừa diễn ra tại Hà Nội giữa các nhà tài trợ quốc tế và đại diện các cơ quan Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ. Thông điệp từ diễn đàn này có thể gói gọn trong tinh thần “khuyến nghị Việt Nam quan tâm hơn đến phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực đất đai, cổ phần hóa, chứng khoán và kể cả trong giáo dục”.

Những tấm gương chống tham nhũng ở Việt Nam như cụ bà Lê Hiền Đức ở Hà Nội, như cụ ông Đinh Đình Phú ở Đồ Sơn và còn những công dân liêm chính khác, chẳng phải là chiến sĩ quả cảm dấn thân trong cuộc chiến đầy hiểm nguy đó sao? Đại diện Tổ chức Minh bạch quốc tế nhấn mạnh: “Việt Nam cần tự hào vì có những công dân như bà Đức, người không chỉ mong muốn Đảng và Chính phủ chặn đứng nạn tham nhũng mà còn thể hiện một cam kết cá nhân mạnh mẽ đóng góp vào cuộc đấu tranh này. Hy vọng bà Đức sẽ là một tấm gương điển hình cho rất nhiều người Việt Nam”.

Chúng ta, những người trong cuộc càng phải hy vọng nhiều hơn. Chống tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp và của mỗi người dân. Sau khi có Luật Phòng, chống tham nhũng, đến nay Chính phủ đã có 8 Nghị định hướng dẫn thi hành, chỉ còn 2 Nghị định về chuyển đổi vị trí công tác và Đề án kiểm soát thu nhập dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12 này.

Chính phủ cũng đang xây dựng chiến lược chống tham nhũng từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Nói một cách cô đọng, đây là một chương trình hành động chiến lược dài hạn. “Xương sống” của chương trình hành động là công khai, minh bạch. Càng công khai, minh  bạch càng kiểm soát được tình hình, nhất là công khai các hoạt động của bộ máy Nhà nước, công khai các việc mà công chức Nhà nước phải làm, từ đó công khai, minh bạch cả về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Bản thân các nhà tài trợ cho Việt Nam cũng mong muốn rằng, cần thực hiện công khai, minh bạch tài sản nhiều hơn nữa. Việt Nam có kế hoạch thực hiện kê khai tài sản của 250.000 - 350.000 công chức, việc làm khó làm ngay. Trước mắt cần kê khai ngay đối với công chức làm việc ở những bộ phận có nguy cơ tham nhũng.

Tuy nhiên, các nhà tài trợ cho rằng, luật pháp Việt Nam chưa có cơ chế đủ mạnh để xác minh tính trung thực của bản kê khai tài sản, thu nhập. Một bản kê khai mà không xác minh được tính trung thực thì thực chất chỉ là... tờ giấy.

Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng cốt lõi là công khai, minh bạch sẽ là “vũ khí” sắc bén, trao cho người dân. Cần phải có thêm nhiều công dân liêm chính như bà cụ nghỉ hưu ở quận Đống Đa, Hà Nội. 

Đan Thanh