“Bắt bệnh” nền kinh tế

ANTĐ - Bình luận về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 âm 0,44%, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, để khẳng định chắc chắn nguyên nhân nào dẫn đến CPI tăng thấp, các cơ quan chức năng và giới chuyên gia cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Dường như một luồng ý kiến nghiêng về nhận định mức tăng quá thấp của CPI không còn là thành tích trong điều hành mà là biểu hiện của nền kinh tế rơi vào suy giảm, thiểu phát. Lại có luồng ý kiến nhìn nhận rằng, CPI sẽ tăng trong những tháng tới, thậm chí tăng mạnh vì còn nhiều dư địa. 

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương tỏ ra lo ngại kinh tế có nguy cơ giảm phát khi trong quý I, chỉ số tồn kho là 13,4%, còn chỉ số tiêu thụ chỉ đạt 4,3%. Nếu cứ đà này, sản xuất sẽ giảm mạnh. Kết quả kiềm chế lạm phát không còn mấy ý nghĩa bởi những bất ổn vẫn tồn tại như tình trạng “sức khỏe” doanh nghiệp chậm hồi phục, giá cả hàng hóa giảm không phải do tăng năng suất, chất lượng. Vào thời điểm này, nguy cơ giảm phát trong bối cảnh kinh tế suy giảm có thể để lại hậu quả nặng nề không kém so với lạm phát khi nền kinh tế tăng trưởng nóng. Mối lo về sự trì trệ của giá cả tháng 3 càng trở nên căng thẳng hơn khi các chuyên gia trong nước và quốc tế đều lo lắng về xu hướng giảm phát đang lan tràn trên toàn cầu.

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, CPI giảm 0,44% có thể cho thấy tổng cầu tương đối yếu, song khó kết luận đây là nguyên nhân kéo CPI xuống đến mức phải quan ngại. Bởi vì không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy tổng cầu giảm. Không đưa ra đánh giá mức tăng CPI bình thường hay bất thường, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mặc dù lạm phát 3 tháng đầu năm được coi là tiền đề thuận lợi để kiểm soát lạm phát cả năm 2014, song so với năm 2013, sức ép lạm phát có thể cao hơn do tổng cầu tăng cũng như việc tăng phát hành trái phiếu. Ủy ban này ước tính, yếu tố cầu tăng có thể khiến lạm phát năm nay tăng thêm 0,5% so với năm ngoái. Trong tường hợp giá lương thực, thực phẩm và giá điện đều tăng khoảng 10% thì lạm phát cả năm có thể tăng thêm 1,2% so với năm trước. Góp thêm ý kiến về CPI năm nay, nhất là diễn biến trong quý I vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lại cho rằng là do người dân đã chi tiêu hợp lý hơn, chứ không phải do cắt giảm quá mức. Nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng giảm, nhiều người nghĩ đến cầu yếu, nhưng nhìn vào tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ lại thấy vẫn tăng. Ngay cả khi loại trừ yếu tố tăng giá thì quý I, chỉ số này vẫn tăng khoảng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Mặc dù vẫn còn những tranh luận về nguyên nhân CPI 3 tháng đầu năm tăng thấp, song mối quan tâm chung là nguy cơ giảm phát đã bộc lộ khá rõ. Lạm phát, giảm phát hay thiểu phát không đơn giản chỉ là sự lựa chọn câu chữ, mà là để “bắt bệnh” nền kinh tế và nhanh chóng có những biện pháp điều trị đặc hiệu.