Ai cũng sợ trách nhiệm

ANTĐ - Báo cáo sau cuộc khảo sát gần 20 ngân hàng lớn và 800 khách hàng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho thấy, 94% ngân hàng trông đợi cải thiện kết quả kinh doanh, nhưng vẫn có tới 76% ngân hàng lo ngại về nợ xấu. Nhiều chuyên gia và đại diện ngân hàng cho rằng, sợ trách nhiệm trong việc bán tài sản cầm cố dưới mệnh giá là rào cản lớn nhất khiến việc xử lý nợ xấu không có bước chuyển biến trong thời gian qua. Vì vậy cần phải sửa đổi nhiều quy định trong xử lý nợ xấu.

24% ngân hàng tham gia khảo sát cho rằng, nợ xấu là vấn đề quan trọng nhất mà nền kinh tế đang phải đối mặt. 76% ngân hàng thừa nhận nợ xấu là vấn đề hệ trọng nhất ảnh hưởng đến ngành ngân hàng. Phó Tổng giám đốc Công ty Ernst&Young Việt Nam nhận xét, việc các ngân hàng ít mặn mà cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay là vì, khi hệ thống ngân hàng có nợ xấu, Chính phủ có xu hướng kiểm soát cho vay chặt chẽ hơn vì thế các khoản vay sẽ dành cho doanh nghiệp lớn và cá nhân nhiều hơn. Các doanh nghiệp nhỏ thường gặp nhiều tổn thất tín dụng nhất, bởi vậy ngân hàng kém hào hứng, lo lắng về quản trị rủi ro, duy trì thu nhập lãi thuần. Đã qua nửa quý III, nhưng chỉ thưa thớt vài ngân hàng công bố báo cáo tài chính, trong đó lãi ít đi, nợ xấu tăng, bù lại dòng vốn đã chảy đến chỗ an toàn hơn. Sơ bộ các báo cáo cho thấy, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng giảm lợi nhuận do tăng chi phí hoạt động và tăng mức trích lập dự phòng rủi ro theo yêu cầu nghiêm ngặt của Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, một số ngân hàng sau khi hợp nhất đã đưa tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể, đồng thời “lái” dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực tam nông, công nghiệp chế biến, hoạt động dịch vụ, hộ và cá nhân kinh doanh. Đây là những lĩnh vực không đem lại lợi nhuận cao, song lại là “bến đỗ” an toàn cho dòng vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo mới đây, Chánh Thanh tra ngân hàng nhận định, việc mua nợ xấu đã chậm lại, ước tính mới chỉ mua thêm được 6.300 tỷ đồng. Tốc độ này không phải vì tiến độ xử lý chậm lại.

Xử lý nợ xấu gặp khó, một phần lớn là do sự rối rắm của các văn bản pháp luật. Các chủ nợ hiện không có quyền thu, giữ tài sản đảm bảo. Chẳng hạn với tài sản là nhà thế chấp, các ngân hàng vướng quy định phải thuê nhà mới cho “con nợ” ở nếu muốn thu giữ nhà. Một chuyên gia của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, không ở đâu xử lý nợ xấu khó như ở nước ta. Không có thị trường, không biết bán lại nợ cho ai, bế tắc nhất là thanh lý các tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Một vấn đề hết sức quan trọng là ai cũng sợ trách nhiệm, không ai dám quyết bán nợ dưới mệnh giá.