Xử lý lối đi chung

(ANTĐ) - Hỏi: Tôi và bà C cùng nhận chuyển nhượng một thửa đất của ông Q. Trên thửa đất này ông Q đã xây một căn nhà cấp 4 và gia đình chủ cũ đã mở lối đi cả ra hai mặt ngõ vẫn thường xuyên đi lại. Vì vậy chúng tôi đã chia đôi miếng đất mỗi người một bên, khi làm thủ tục chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật và đã xin phép xây dựng. Trong quá trình xây dựng nhà thì tôi bị những người trong ngõ cấm không cho mở cổng và đi lại với lý do đây là lối đi của gia đình họ. Tôi có thiện ý chấp nhận chi phí cho họ để được sử dụng lối đi chung nhưng họ không đồng ý. Vậy tôi phải làm gì để được quyền sử dụng lối đi chung đó?

Xử lý lối đi chung

(ANTĐ) - Hỏi: Tôi và bà C cùng nhận chuyển nhượng một thửa đất của ông Q. Trên thửa đất này ông Q đã xây một căn nhà cấp 4 và gia đình chủ cũ đã mở lối đi cả ra hai mặt ngõ vẫn thường xuyên đi lại. Vì vậy chúng tôi đã chia đôi miếng đất mỗi người một bên, khi làm thủ tục chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật và đã xin phép xây dựng. Trong quá trình xây dựng nhà thì tôi bị những người trong ngõ cấm không cho mở cổng và đi lại với lý do đây là lối đi của gia đình họ. Tôi có thiện ý chấp nhận chi phí cho họ để được sử dụng lối đi chung nhưng họ không đồng ý. Vậy tôi phải làm gì để được quyền sử dụng lối đi chung đó?

Đ.Q.T

(Vĩnh Yên)

Trả lời: Khi ông nhận chuyển nhượng nhà, đất của ông Q thì lối đi đã hình thành từ trước, nếu không có tranh chấp khiếu kiện gì và nếu lối đi chung này đã được thể hiện trên bản đồ địa chính và được UBND cấp cơ sở xác nhận thì lối đi đó gia đình ông có toàn quyền sử dụng. Mặt khác, ngay cả trong trường hợp đất của gia đình ông bị vây bọc bởi các bất động sản khác mà không có lối đi thì cũng được pháp luật bảo vệ.

Quyền sử dụng bất động sản liền kề được quy định tại điều 273 - Bộ luật Dân sự: “Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp thoát nước, cấp khí gas, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý nhưng phải đền bù nếu không có thỏa thuận khác”.

Khoản 1, điều 275 - Bộ luật Dân sự cũng nêu rõ: “Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác”.

Căn cứ vào các quy định trên thì dù lối đi không được hình thành từ trước, gia đình ông vẫn có quyền mở lối đi vào ngõ đi chung. Nếu các gia đình cùng ngõ cho rằng lối đi này là của riêng họ thì họ phải có nghĩa vụ chứng minh và việc đền bù cho các hộ cùng ngõ sẽ theo thỏa thuận hoặc theo quy định.

Nếu các hộ cùng ngõ không chịu cho gia đình ông sử dụng thì để được tiếp tục sử dụng lối đi này, ông buộc phải nhờ UBND cấp cơ sở can thiệp bằng việc hòa giải giữa hai bên. Khi UBND cấp cơ sở hòa giải không thành thì việc tranh chấp lối đi sẽ do TAND nơi có bất động sản tọa lạc giải quyết (vì gia đình ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đây là một trong những điều kiện để Tòa thụ lý vụ việc).

LS. Bạch Tuyết Hoa

(VPLS Phúc Thọ - 23 Hồ Đắc Di, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội)