Cuộc săn lùng tên giết người, vượt ngục, trốn truy nã 32 năm

ANTĐ - Bị kết án 12 năm tù về tội Giết người, nhưng sau đúng 15 ngày thụ án,  Nguyễn Văn Hồng (SN 1954), quê Quảng Trạch, Quảng Bình đã vượt ngục rồi biến mất không một dấu tích. 32 năm trong đời người là quãng thời gian quá dài, rất nhiều thứ đã thay đổi, nhưng thân phận một con người dù có “phù phép” thay hình đổi dạng, hoán tên đổi họ đến thế nào cũng chẳng thể hoàn hảo. Nguyễn Văn Hồng bị bắt lại đã minh chứng cho câu nói “lưới trời lồng lộng”, tuy thưa mà khó lọt. 

Nguyễn Văn Hồng thời trẻ và khi bị bắt lại năm 2011

Đâm vợ rồi tự tử bất thành

Ngược dòng thời gian hơn 30 nằm về trước, ngày 18-12-1978, những công nhân trong khu tập thể của Công ty Xây dựng Quảng Trạch ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Bình Trị Thiên nghe thấy tiếng kêu thất thanh phát ra từ phòng của chị Trần Thị Liên (24 tuổi) là cán bộ của công ty. Vội vàng chạy sang, mọi người phát hiện chị Liên nằm trên giường, người bê bết máu, đầu, mặt và trên cơ thể có nhiều vết chém. Bên cạnh là Nguyễn Văn Hồng, chồng của chị Liên cũng bị một vết đâm ở vùng cổ. Ngay sau đó, vợ chồng anh chị Hồng, Liên được mọi người đưa đến Bệnh viện huyện Quảng Trạch cấp cứu, đồng thời sự việc cũng được trình báo lên cơ quan chức năng. CQĐT vào cuộc xác định hung thủ trong vụ án này chính là Nguyễn Văn Hồng. Hồng đã dùng dao chém vợ rồi tự sát. Do được cứu chữa kịp thời nên sau 1 tháng điều trị tích cực, cả chị Liên và Hồng đều may mắn sống sót. 

Chị Liên và Hồng kết hôn vào đầu năm 1978. Cả 2 làm việc tại Công ty Xây dựng Quảng Trạch, Hồng phụ trách chạy vật tư, còn chị Liên làm ở bộ phận tài chính. Do tính chất công việc hay phải đi công tác xa nên Hồng thường xuyên vắng nhà rồi “chơi bời” ở ngoài. Sau một thời gian, việc Hồng “ăn vụng” bị người trong công ty đồn đại khắp nơi và chuyện đến tai chị Liên. Vì hạnh phúc gia đình, chị Liên bỏ qua mọi chuyện để nhẹ nhàng khuyên nhủ chồng. Tuy nhiên, Hồng không những không nghe mà còn đánh đập, đối xử thậm tệ với vợ. Sáng 18-12-1978, thời điểm này chị Liên đang mang thai 4 tháng, giữa Hồng và Liên lại xảy ra mâu thuẫn. Lần này Hồng đã dùng dao chém liên tiếp vào mặt và người vợ. Tưởng vợ đã chết, Hồng dùng dao tự đâm vào cổ mình với mục đích cả hai cùng chết. Mặc dù được các bác sĩ cứu chữa và may mắn sống sót, thế nhưng do sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên sau đó chị Liên đã buộc phải bỏ đứa con trong bụng. Về phía Hồng, sau khi bình phục, y bị Công an tỉnh Bình Trị Thiên thời điểm đó bắt giữ để điều tra về hành vi giết người. Ngày 30-6-1979, TAND tỉnh Bình Trị Thiên tuyên phạt Nguyễn Văn Hồng 12 năm tù về tội Cố ý giết người. 

32 năm lẩn trốn

Sau phiên tòa, Nguyễn Văn Hồng bị áp giải lên Trại giam Đồng Sơn để cải tạo. Tại đây, Hồng được bố trí vào đội sản suất gạch. Tuy nhiên, vừa ở tù được chừng 15 ngày, do thấy mức án dài, công việc nặng nhọc nên Hồng nảy sinh ý định vượt ngục. Sau đó, lợi dụng sơ hở, Hồng đã trốn khỏi trại giam. Khi vượt qua những hàng rào thép gai của Trại giam Đồng Sơn, Hồng chạy lên rừng lánh tạm rồi chờ đến đêm thì mò về nhà ở quê để ăn vụng cơm nguội, lấy quần áo, sau đó nhảy tàu vào Đồng Nai. Trên chuyến tàu vào miền Nam chạy trốn, Hồng bắt đầu nghĩ tên giả, quê giả và ngày tháng năm sinh giả cho mình. Theo như Hồng suy luận thì do bản thân hắn lâm vào cảnh tù tội, án dài nên hắn quyết định lấy tên giả là Nguyễn Trường Lâm, hành vi phạm tội là giết người, tức là “tử” mà theo quan niệm thì số 4 chính là số “tử” nên hắn quyết định lấy ngày 4-4-1944 làm ngày tháng sinh của mình. Về quê quán giả, Hồng quyết định chọn xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ Tĩnh vì đây là quê của một người bạn cùng đi bộ đội với Hồng trước kia.

Với vỏ bọc mới, sau khi đi tàu vào TP.HCM, việc đầu tiên Hồng làm là đi đến các bốt bưu điện, địa điểm bán báo để dò la xem có hình ảnh, thông báo truy nã của mình không. Khi đã yên tâm vì không thấy có động tĩnh gì, Hồng tiếp tục bắt xe đi xuống Đồng Nai. Hắn lảng vảng đến các công ty cao su để mong tìm cơ hội việc làm và may mắn được tuyển dụng vào làm người đi phát nương, trồng rẫy. Với cái tên mới là Nguyễn Trường Lâm, Hồng được tuyển dụng vào làm công nhân tại nông trường cao su Xà Bang ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai. Sau vài tháng làm việc ở đây, Hồng tán tỉnh một người phụ nữ làm công nhân cạo mủ cao su hơn hắn 5 tuổi, khi được đáp lại Hồng lập tức cầu hôn. Năm 1980, vợ chồng Hồng sinh con gái đầu lòng. Thời gian này Hồng bàn với vợ xin nghỉ làm để ra ngoài khai hoang đất, trồng rẫy riêng. Cầm tờ quyết định của Giám đốc công ty đồng ý cho công nhân Nguyễn Trường Lâm nghỉ việc, có con dấu xác nhận đỏ chót, Hồng như mở cờ trong bụng vì cái tên giả của hắn đã chính thức có giá trị pháp lý. Ngay sau đó, Hồng cầm tờ quyết định trên đi đăng ký tạm trú tạm vắng tại Công an xã Xuân Bảo, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Sau khi làm được chứng minh nhân dân mới dưới cái tên Nguyễn Trường Lâm, Hồng đã được chính quyền cho phép khai phá đất hoang tại địa phương.

Có đất, vợ chồng Hồng ra dựng lán, làm nương trồng cà phê, cao su rồi tiếp tục sinh thêm 2 đứa con trai vào năm 1984 và 1986. Kinh tế dần ổn định, có địa chỉ rõ ràng, Hồng đi đăng ký khai sinh cho các con một cách đàng hoàng không sợ bị ai phát hiện hay nghi ngờ. Không những thế, khi viết thư gửi về hỏi thăm sức khỏe gia đình ở quê, để tránh bị công an phát hiện, ngoài phong bì Hồng ghi tên người gửi là tên và địa chỉ của một người anh ở Hà Nội. Hắn tỏ ra rất ma mãnh khi trong thư cũng không ghi cụ thể địa chỉ để người nhà liên lạc, mà chỉ có hắn chủ động liên lạc với gia đình. Cứ như thế, Hồng ung dung sống, liên lạc về quê nhà mà không hề bị phát hiện. Sau một thời gian làm ăn sinh sống tại Đồng Nai, năm 1994 Hồng bán rẫy được 40 triệu đồng rồi chuyển lên Gia Lai mua 5 sào rẫy trồng cà phê và tạm trú tại xã Trà Đa, TP Pleiku. Tại đây, Hồng xây ngôi nhà 2 gian kiên cố để vợ con gia đình có chỗ ở ổn định, đàng hoàng. Sau hơn 20 năm trốn nã, Hồng đã 2 lần về thăm gia đình vào năm 1997 và 1998 nhưng tuyệt nhiên y không cho ai biết địa chỉ, nơi làm ăn cụ thể. Sự ma mãnh của Hồng còn thể hiện ở chỗ hắn nhất quyết không cho các con thi CĐ, ĐH để tránh việc xác định nhân thân cha mẹ. Nhằm tạo vỏ bọc hoàn hảo hơn nữa cho mình, Hồng nuôi tóc dài, để tóc bạc trắng trùm tai nhằm che những đặc điểm nhận dạng trên khuôn mặt và khớp với tuổi trong chứng minh thư nhân dân của mình. Đặc biệt, Hồng bắt đầu “lộ sáng” bằng việc mở một cửa hàng tạp hóa ngoài mặt đường để kinh doanh buôn bán, dựng vợ gả chồng cho các con… 

Ân hận muộn màng

Năm 2010, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Quảng Bình được thành lập. Các chuyên án rà soát, xác minh, truy bắt các đối tượng truy nã, trong đó có Nguyễn Văn Hồng được đề ra. Bằng những biện pháp nghiệp vụ các trinh sát phát hiện được nơi Hồng đang sinh sống ở xã Trà Đa, TP Pleiku dưới cái tên giả là Nguyễn Trường Lâm. Khi tổ công tác đến Công an xã Trà Đa thì được biết tại địa phương có một ông cụ khoảng 70 tuổi, độ tuổi người tên Lâm kia chênh lệch nhiều so với Hồng. Tuy nhiên những đặc điểm nhận dạng cơ bản của Hồng như mắt xếch, tóc dựng, nói giọng Quảng Bình... lại hoàn toàn trùng khớp với “cụ Lâm”. Sau khi sử dụng biện pháp nghiệp vụ để lấy dấu vân tay và hình ảnh “cụ Lâm”, ngày 18-8-2011, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với Công an TP Đồng Hới đã lập danh chỉ bản để đối chiếu dấu vân tay, kết quả cho thấy dấu vân tay của “cụ” Nguyễn Trường Lâm trùng khớp với dấu vân tay của tên tội phạm Nguyễn Văn Hồng.

Xác định đã đến thời điểm cần phải lột chiếc “mặt nạ” của kẻ giết người, trốn nã tinh vi, sau khi lên phương án tác chiến tỉ mỉ, khoảng 9h sáng ngày 19-8-2011, Thượng tá Đinh Sỹ Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp cùng Công an tỉnh Gia Lai và Công an xã Trà Đa tìm đến nhà “cụ Lâm”. Theo phương án vạch ra, Công an xã sẽ đi bộ vào trước, nếu “cụ Lâm” có ở nhà thì ra hiệu cho Thượng tá Đinh Sỹ Hùng và trinh sát ập vào. Mọi việc đã diễn ra đúng như dự tính, khi vào nhà, cháu nội của Hồng liền gọi ông ra tiếp khách. Khi Hồng vừa bước ra, Thượng tá Đinh Sỹ Hùng nhận ra ngay đó chính là Hồng, kẻ đội lốt lẩn trốn pháp luật hơn 30 năm qua. Ban đầu, Hồng nhất mực từ chối bằng giọng miền Nam: “Tôi có việc gì mà lên xã? Có gì thì hỏi ở đây luôn đi”. Lúc đó, Thượng tá Hùng mới lên giọng đanh thép: “Anh biết tôi nói giọng ở đâu rồi chứ? Anh biết chuyện gì rồi chứ? Mời anh lên trụ sở làm việc, anh hãy chấp hành để còn nhận được sự khoan hồng của pháp luật...”. 

Sau khi bị bắt, Nguyễn Văn Hồng được các cán bộ truy nã di lý trở về Trại giam Đồng Sơn để tiếp tục thi hành án bản án 12 năm tù trước đó. Tính từ thời điểm Hồng vượt ngục đến khi bị bắt lại, 32 năm đã trôi qua. Trong suốt cuộc trò chuyện với Hồng tại Trại giam Đồng Sơn, khi nhắc lại về mối tình với người vợ cũ, mắt Hồng lại ánh lên nỗi buồn, ân hận và day dứt vì đã gây ra nỗi đau, sự mất mát quá lớn cho người mà Hồng đã từng thương yêu nhất. “Cũng tại vì bà ấy cứ nghe người khác đồn đại rồi về nói bóng gió nên tôi tức quá mới hành động như vậy. Kể từ khi tôi bỏ trốn vào miền Nam cũng không có thời gian để hỏi thăm hay liên lạc đến vợ cũ. Tôi được kể lại sau khi sự việc xảy ra cơ thể bà ấy bị tật nên ở một mình chứ không lấy ai. Giá như còn đứa con thì bây giờ bà ấy cũng bớt cô đơn” - Hồng tâm sự - “Tôi mong rằng mình sẽ sống được đến ngày trở về để đi thăm bà ấy một lần trước khi tôi nhắm mắt.