Tưởng công rửa bát...30 triệu đồng/tháng, thiếu nữ phơi phới "xuất ngoại"

ANTĐ - Nh và bạn ngây thơ tin rằng, đi rửa bát ở Lào Cai được trả công 30 triệu đồng/tháng mà không hay mình đang sa bẫy các đối tượng buôn người qua biên giới, làm gái mại dâm.

Một ngày đầu tháng 6-2014, Nguyễn Thị Nh (SN 1996) trú tại xã Đăk Ha, huyện Đăk Glong, và H’T, trú tại xã Đak Nia, thị xã Gia Nghĩa, là những nạn nhân may mắn trốn thoát khỏi động mại dâm ở Trung Quốc trở về tới Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Đắk Nông tố cáo hành vi phạm tội của bọn buôn người.

Theo tường trình của họ, chỉ vì nhẹ dạ cả tin, vào ngày 17-4-2014, sau khi nghe một đối tượng tên Quyền rủ rê đi làm việc rửa chén và nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn ở tỉnh Lào Cai với mức lương tháng từ 20-30 triệu đồng, chị Nh đã rủ thêm 2 người bạn của mình là H’H và H’T ở thị xã Gia Nghĩa cùng đi. Tuy nhiên sau đó H’H lo sợ nên không đi nữa, còn Nh và H’T bị bọn chúng bán vào các động mại dâm ở Trung Quốc.

Đối tượng Quyền đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh bắt xử lý

Gạt nước mắt trên gò má, chị Nh kể cho chúng tôi nghe: "Sáng 22-4-2014, sau khi ra tới Hà Nội thì có một người đàn ông khoảng 50 tuổi và một thanh niên tên Đoán chở tôi và H’T lên Lào Cai rồi đến bến đò đi sang Trung Quốc. Khi qua đến đất Trung Quốc thì có một người đàn ông địa phương đứng chờ sẵn và chở họ đến một nhà có 8 cô gái Việt Nam đang ở".

Từ tối ngày 23-4 cho đến ngày 10-5, Nh bị bọn chúng ép buộc bán dâm cho khách ở các nhà nghỉ, mỗi lượt khách trả 100.000 nhân dân tệ, bọn chúng đều lấy hết, hằng đêm chúng bắt Nh phải bán dâm từ 6 đến 7 lượt khách ở nhiều điểm nhà nghỉ khác nhau. Không thể chịu nổi sự ép buộc của bọn chúng, lợi dụng lúc sơ hở Nh đã trốn khỏi ổ mại dậm và được một người phụ nữ Việt Nam đang sống tại Trung Quốc giúp đỡ đưa Nh về Việt Nam bằng đường tiểu ngạch.  

Từ đơn thư tố cáo của bị hại, qua xác minh, điều tra, ngày 10-6, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Nông đã ra lệnh bắt khẩn cấp Vũ Gia Phường (SN 1983, hay còn gọi là Phong) và Hoàng Văn Quyền (SN1991) trú tại xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái về hành vi “Mua bán người”. Đồng thời tổ chức truy bắt đối tượng Hà Văn Đoán (SN 1991, hay còn gọi là Lâm) trú tại xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũng về hành vi trên.

Một đối tượng trong đường dây mua bán người bị
Cơ quan CSĐT Công an Đắk Nông bắt, xử lý

Đây chỉ là một trong số 4 đường dây mua bán người được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, triệt phá trong 6 tháng đầu năm 2014. Theo số liệu thống kê cuả Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Đắk Nông, từ năm 2008 đến nay, với vai trò nòng cốt, lực lượng Công an các cấp trong tỉnh đã triệt xóa 7 đường dây tội phạm mua bán người, bắt xử lý gần 20 đối tượng.

Riêng từ năm 2014 đến nay, Cơ quan CSĐT Công an Đắk Nông đã khởi tố 4 vụ với 10 bị can về hành vi mua bán người. Cũng theo cơ quan điều tra hiện trên địa bàn có 39 phụ nữ trốn gia đình bỏ đi không lý do, trong đó có gần 20 trường hợp đã xác định bị bán sang Trung Quốc, còn lại có nhiều khả năng đã lấy chồng Trung Quốc. Địa bàn các nạn nhân ở là các xã Đắk Som, Đắk R’măng, Quảng Sơn thuộc huyện Đắk G’long, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức và Đắk Mil.

Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ dân tộc Mông, Ê Đê có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức hạn chế, trong độ tuổi từ 17 đến 30, có chị em đã có gia đình 4, 5 đưa con, có trường hợp còn rất trẻ sinh năm 1996, 1997 chưa có gia đình. Mới đây, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Tuy Đức, Đắk G’long triệt phá một đường dây mua bán người trên địa bàn, bắt xử lý 2 đối tượng. Bước đầu cơ quan điều tra xác định được 7 nạn nhân.

Thượng tá Bùi Văn Khẩu – Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, thông qua việc triệt phá các đường dây mua bán người trong thời gian qua cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng không có gì mới nhưng đã đánh đúng vào tâm lý của một số cô gái nhẹ dạ cả tin. Đó là lợi dụng sự khó khăn về việc làm cũng như sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dân, nhất là các cô gái trẻ đã tới rủ rê đi ra các tỉnh phía bắc bán hàng lương cao, hoặc giả vờ tán tỉnh yêu đương rồi rủ nạn nhân đi du lịch. Sau đó chúng đưa các nạn nhân thẳng qua biên giới bán cho các đối tượng bên kia biên giới làm gái mại dâm.

Khó khăn lớn nhất đối với việc phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây buôn bán người là do địa bàn tỉnh Đắk Nông rộng lại cách trở, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn thấp nên dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt. Các nạn nhân hầu hết bán cho nước ngoài, các thông tin về các nạn nhân phục vụ cho quá trình điều tra, giải cứu nạn nhân cũng hết sức khó khăn. Mối quan hệ với các nước mà các nạn nhân bị lừa bán sang đó, có những nước ta đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp thì có thuận lợi trong công tác đấu tranh, giải cứu các nạn nhân nhưng cũng có một số nước ta chưa ký hiệp định.

Để đấu tranh ngăn chặn với loại tội phạm này, thời gian tới bên cạnh việc lực lượng Công an triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán người, đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các ban ngành, đoàn thể, hội phụ nữ, đoàn thanh niên trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm mua bán người.