Tại sao có hơn 14.000 điện thoại bị cài đặt phần mềm giám sát, nghe lén?

ANTĐ -Theo lý giải của cán bộ của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao, trong sự việc này rất có thể Công ty Việt Hồng đã có sự hậu thuẫn của các cửa hàng kinh doanh điện thoại. 
Bản tin phát thanh ngày 29-6 do báo An ninh Thủ đô sản xuất


Mới đây đoàn thanh tra liên ngành gồm thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội, đã thanh tra tại Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng (đường Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) và phát hiện công ty này kinh doanh phần mềm Ptracker. 

Qua vụ việc này, cơ quan chức năng phát hiện có tới hơn 14.000 điện thoại di động tại Việt Nam bị ghi âm cuộc thoại, định vị, quay phim, chụp ảnh, xem tin nhắn, kiểm soát cuộc gọi khiến cho người sử dụng điện thoại hết sức hoang mang và lo lắng. 

Nhiều người hoang mang lo lắng không biết mình có bị nghe lén điện thoại hay không!


Tuy nhiên, một vấn đề được nhiều người quan tâm là tại sao số lượng tài khoản đã từng bị cài phần mềm giám sát Ptracker nằm trong máy chủ của Công ty Việt Hồng lại lớn đến như vậy? Ai là nạn nhân bị nghe lén? Cơ quan điều tra cho biết, phần mềm nghe lén điện thoại chỉ có thể cài đặt trực tiếp bằng các thao tác trên điện thoại mà không thể cài đặt phần mềm này từ xa nên thông thường chỉ có chủ máy mới có khả năng này. Tất nhiên, không loại trừ có cả những người thân thiết cài đặt phần mềm này nhằm mục đích theo dõi người thân, tuy nhiên con số tài khoản vẫn đang còn thời gian giám sát lưu trên máy chủ của Công ty Việt Hồng chỉ là 670 tài khoản.

Vậy con số hơn 14.000 điện thoại bị cài đặt phần mềm giám sát là vì nguyên nhân gì? Theo lý giải của cán bộ của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao, trong sự việc này rất có thể Công ty Việt Hồng đã có sự hậu thuẫn của các cửa hàng kinh doanh điện thoại. Do đó, không loại trừ khả năng một số nhân viên kỹ thuật của cửa hàng này đã tiếp tay cho Việt Hồng khi cố tình cài đặt phần mềm theo dõi vào điện thoại của khách hàng nhằm hưởng lợi từ đối tác chiết khấu. Còn với Công ty Việt Hồng, họ sẽ dùng những thông tin cá nhân này để bán lại cho những khách hàng là những người có nhu cầu theo dõi cá nhân kia. Việc này hiện đang được cơ quan công an đấu tranh làm rõ. 

* UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình HĐND TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh tăng phí 1.300 dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập. 

Theo đó, mức giá dịch vụ y tế được đề xuất tăng thêm 20% ở tất cả các hạng bệnh viện. Đối với bệnh viện hạng II được đề xuất tăng từ mức 80% hiện nay lên 100% mức giá trần; hạng II từ 75% lên 95% và hạng 3 là các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh từ 70% lên 90%; tương tự trạm y tế được tăng lên mức 85% giá trần.

Tăng phí 1.300 dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập

Cùng với đó, UBND TP đề nghị bổ sung thêm 135 dịch vụ kỹ thuật y tế chưa có giá, thực hiện theo Thông tư 04-2012 liên ngành Y tế-Tài chính. Đây là những dịch vụ đã được cơ sở y tế thực hiện nhưng chưa có giá nên cơ quan bảo hiểm chưa có cơ sở để quyết toán.

Theo UBND TP, việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế lần này được lý giải là do chưa được tăng trong  lần điều chỉnh viện phí áp dụng lần đầu cách đây gần 1 năm. 

* Cơ quan CSĐT CAH Than Uyên (tỉnh Lai Châu) cho biết vừa ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Cường (47 tuổi, thường trú tại thôn Đào Lâm, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) về hành vi giết người.

Trước đó, ngày 20-6, Nguyễn Văn Cường dùng dao chém trọng thương đồng nghiệp là anh Nguyễn Văn Duy (28 tuổi), khiến nạn nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, phải nhập viện cấp cứu.

Nguyên nhân là do vào trưa 19-6,  Nguyễn Văn Cường có nhắn tin cho vợ là chị V (37 tuổi, hiện đang nấu cơm tại xí nghiệp cùng chỗ Cường làm việc) thì Duy, người tình của V đã lấy điện thoại của chị V nhắn tin lại chọc tức Cường.

Vì quá căm giận khi biết mình bị “cắm sừng”, Cường dùng dao chém liên tiếp vào người tình của vợ. Sau đó, Cường cầm dao về phòng khóa trái cửa, tự đâm vào bụng mình và cắt mạch máu hai cổ tay để tự tử.