Dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 10%

ANTĐ - Tại buổi họp báo thường kỳ vừa diễn ra chiều nay (29-8), bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN cho biết tín dụng toàn hệ thống tính đến 21-8 tăng 4,33% với cuối năm 2013 và có thể tăng 10% trong năm nay.
Dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 10% ảnh 1


Lãi suất huy động tiếp tục giảm

Trong tuần qua, một số ngân hàng lớn đã có quyết định điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng của Vietcombank chỉ còn 4,8%/năm và của BIDV chỉ còn 4,5%/năm. Các kỳ hạn khác, lãi suất huy động cũng tiếp tục giảm nhẹ.

Việc các ngân hàng lớn điều chỉnh giảm lãi suất huy động khiến thị trường đưa ra câu hỏi liệu trần lãi suất huy động có được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hay không? Bởi trước đây, sau mỗi đợt các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện giảm lãi suất thì sau đó NHNN thường cũng có điều chỉnh về lãi suất.

Các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng lớn điều chỉnh lãi suất huy động là nhằm cải thiện lợi nhuận và kích thích cho vay là chính chứ không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường. Mặc dù thanh khoản dồi dào, lượng tiền huy động tiếp tục tăng nhưng các ngân hàng thương mại khác vẫn tỏ ra khá thận trọng trong việc điều chỉnh lãi suất huy động bởi nếu giảm hơn nữa rất có thể khách hàng sẽ chuyển tiền sang ngân hàng khác hoặc tìm kiếm kênh đầu tư hiệu quả hơn.

Theo số liệu từ NHNN, 7 tháng đầu năm, huy động vốn bằng tiền đồng tăng 7,92%, trong khi tăng trưởng tín dụng với toàn nền kinh tế mới đạt 3,68%. Như vậy lượng tiền các ngân hàng huy động được vẫn tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, việc mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu Kho bạc Nhà nước, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và một số chứng khoán nợ khác đang niêm yết cũng là dấu hiệu cho thấy nguồn tiền dồi dào của các ngân hàng.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN khẳng định, cơ quan này chưa có quyết định gì về việc hạ thêm trần lãi suất huy động. Trần lãi suất huy động cho kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng hiện nay là 6%/năm. NHNN đã cho phép thả nổi lãi suất huy động cho kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Báo cáo khảo sát quý III do NHNN thực hiện cho thấy, hầu hết ngân hàng đều dự báo giảm lãi suất trong quý III. Tính chung trong cả năm 2014, trên 70% tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiền đồng sẽ giảm từ 1,2-1,4% so với cuối năm 2013.

Lãi suất cho vay vẫn cao

Đánh giá từ nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng, lãi suất không còn rào cản tiếp cận tín dụng, mà vấn đề là ở xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, tháo gỡ rào cản về tài sản đảm bảo…

NHNN cũng cho biết đến nay mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5 – 1,5%/năm so với cuối năm 2013. Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm, đến ngày 14-8-2014, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,45% tổng dư nợ cho vay VND. Dư nợ có lãi suất trên 13% chiếm 12,45% tổng dư nợ cho vay bằng VND.

Tuy nhiên, phản ánh từ phía các doanh nghiệp lại cho rằng, lãi suất hiện vẫn cao so với khả năng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Hiện lãi suất cho vay phổ biến với lĩnh vực ưu tiên là 7-8%/năm nhưng rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Lãi suất cho vay thông thường mà các doanh nghiệp đang phải trả hiện nay khoảng từ 9-12%/năm.

Tại cuộc Đối thoại ngân hàng – Doanh nghiệp do Ngân hàng TMCP Đông Á (Chi nhánh Hà Nội) tổ chức đầu tháng 8, hàng trăm doanh nghiệp đến từ các địa phương khác nhau cũng đã chia sẻ về việc khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Ông Lê Tấn Minh - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Vinh Hoa (Đà Nẵng) cho biết: “Công ty đang xây dựng dự án gạch không nung. Sản phẩm này phù hợp với định hướng sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Chúng tôi đã gõ cửa nhiều ngân hàng nhưng vẫn chưa vay được vốn”.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội: “Hiện tại, doanh nghiệp chúng tôi đang vay của Ngân hàng Phát triển (VDB) với lãi suất hơn 10%/năm, còn tại các NHTM, là quanh mức 12%/năm. Vay tín chấp đối là điều cực kỳ khó, hầu như không được”.

Liên quan tới nợ xấu, thông tin từ phía NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 6-2014, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 4,17%. So với cuối tháng 5-2014, nợ xấu đã tăng nhẹ, từ mức 4,07% lên 4,17%. Còn so với thời điểm cuối năm 2013 tỷ lệ nợ xấu là 3,61% thì thì tỷ lệ hiện nay đã tăng đáng kể. Tính từ tháng 10-2013 đến nay, VAMC mua được 55.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong 8 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng cũng đã xử  lý 33.000 tỷ đồng nợ xấu. Đại diện VAMC khẳng định, đến cuối năm nay cơ quan này sẽ mua được 70.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng.

Theo lý giải từ Phó Thống đốc NHNN - Nguyễn Thị Hồng: "Tỷ lệ nợ xấu gia tăng cơ bản là hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn còn hết sức khó khăn, nhiều khoản nợ đến hạn nhưng các tổ chức tín dụng không có nguồn để trả. Ngoài ra còn có nguyên nhân nữa là thực hiện phân loại dự phòng rủi ro và phân loại nợ, theo đó các tổ chức tín dụng phải thực hiện quy trình cơ cấu lại, phân loại nợ với phạm vi rộng hơn".