Băn khoăn giữ vàng miếng

ANTĐ - Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đang khiến nhiều người giữ vàng miếng các thương hiệu khác lo lắng nếu chuyển đổi sang vàng miếng SJC sẽ chịu thiệt. 

Lo lắng chuyển đổi

Chỉ còn một số thương hiệu lớn đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng (Ảnh minh họa)

Nghị định về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được ban hành nhưng chưa đề cập tới việc chuyển đổi vàng miếng thương hiệu khác sang thương hiệu “độc quyền” SJC khiến nhiều người sở hữu vàng lo sẽ phải chịu thêm phí khi chuyển đổi. Chị Thu Thuận (Khương Trung - quận Thanh Xuân) băn khoăn: “Gia đình tôi có giữ 5 lượng vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu, nghe nói sắp tới vàng miếng sẽ chuyển sang thương hiệu SJC do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất, không biết việc chuyển đổi này có dễ dàng, người giữ vàng như tôi có phải mất thêm khoản phí nào cho việc chuyển đổi không? Cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn để người giữ vàng yên tâm”.

Không chỉ người sở hữu vàng băn khoăn về việc chuyển đổi mà ngay cả những chủ cửa hàng vàng bạc đá quý cũng bối rối vì không biết phải trả lời khách hàng như thế nào. Chủ một cửa hàng trên đường Tôn Đức Thắng cho biết: “Sau khi quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành thì nhiều khách hàng đã hỏi về việc chuyển đổi vàng sang thương hiệu SJC, nhưng chúng tôi chưa biết xử lý thế nào. Tạm thời chúng tôi cũng chỉ mua lại của khách hàng có giấy bảo hành của cửa hàng”. 

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi - Tổng giám đốc Công ty Vàng SBJ cho biết, theo chỉ đạo của NHNN, từ tháng 9-2011, các doanh nghiệp sản xuất vàng đã ngưng sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, NHNN cần công bố chuyển đổi vàng miếng các thương hiệu khác thành vàng miếng SJC như thế nào để ổn định tâm lý cho người dân.

Yêu cầu báo cáo giá mua bán vàng miếng

Ngay sau khi Nghị định số 24/2012/NĐ - về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng ban hành, NHNN đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định trên. Theo đó, ngoài việc hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng quy trình cấp phép hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu, NHNN sẽ quy định trách nhiệm báo cáo của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh vàng.

Hàng tháng, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng kinh doanh vàng phải báo cáo cụ thể tình hình kinh doanh mua, bán vàng miếng, trong đó chi tiết theo từng ngày bán với khối lượng, giá bán cho NHNN. Các doanh nghiệp được cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu phải báo cáo tình hình xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu cho đến khi xuất khẩu, nhập khẩu hết hạn ngạch được phép.

Hiện đã có 5 tổ chức tín dụng được NHNN cấp phép hoạt động kinh doanh vàng gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Đông Á (DongAbank), Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Theo các chuyên gia, ưu thế kinh doanh vàng miếng sẽ nghiêng về phía các tổ chức tín dụng hơn là về phía các doanh nghiệp. Với quy định tại Nghị định số 24 thì chỉ còn một số doanh nghiệp có khả năng tham gia vào thị trường vàng miếng. Những tên tuổi lớn có đủ điều kiện tham gia có thể kể đến là Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC chiếm tới hơn 90% thị phần vàng miếng trong nước, Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Ngoài những doanh nghiệp này, còn lại trong số hơn 12.000 doanh nghiệp, điểm kinh doanh vàng từ đầu tháng 5 tới sẽ không được kinh doanh vàng miếng. 

Bình tĩnh để tránh thiệt hại

Xung quanh Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) đã có cuộc trao đổi với báo chí. 
- PV: Nhiều ý kiến phản ánh về việc gặp bất lợi khi mua bán, trao đổi hoặc hoán đổi sang vàng miếng SJC. Ông nói gì về điều này?
- Ông Nguyễn Quang Huy: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, “vàng miếng” là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được NHNN cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do NHNN tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ. Đồng thời, Khoản 1 Điều 4 Nghị định 24 cũng khẳng định: “Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật”. 
Như vậy, quy định tại Nghị định 24 không phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác. Các loại vàng miếng trên, bao gồm cả vàng miếng SJC và vàng miếng khác thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ, được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sau thời hạn chuyển tiếp do NHNN quy định. 
Do đó, người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước các thông tin thất thiệt liên quan đến vàng miếng khác để tránh các thiệt hại không đáng có. 
- Việc thu hẹp mạng lưới mua bán vàng miếng liệu có ảnh hưởng tới nhu cầu mua bán vàng miếng của người dân không, thưa ông?
- Nhu cầu mua, bán vàng của người dân sẽ được đáp ứng không chỉ thông qua mạng lưới các điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng của các doanh nghiệp mà còn cả các TCTD. Các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng có thể mở thêm chi nhánh hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng để phục vụ nhu cầu của người dân. 
Đối với TCTD, hiện nay, chỉ riêng số điểm giao dịch của một số ngân hàng tham gia hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng đã lên tới hàng nghìn điểm giao dịch. NHNN đã chỉ đạo một số doanh nghiệp và TCTD tích cực triển khai hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng trên mạng lưới của mình. Do vậy, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu mua, bán vàng miếng của người dân. 
Hùng Anh (Ghi)