Việt Nam có đủ chứng cứ pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

ANTĐ - Những ngày gần đây, dư luận và người dân đang rất quan tâm tới cuốn sách mới được ra mắt mang tên “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông” do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm, thực hiện và phát hành. Phóng viên ANTĐ Cuối tuần đã có dịp trao đổi với PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh - Chuyên gia Nghiên cứu cao cấp; Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thành viên Ban biên tập cuốn sách… để hiểu rõ hơn về cuốn sách lịch sử này. 
Việt Nam có đủ chứng cứ pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa  ảnh 1


- Thưa ông! Ông có chia sẻ gì với bạn đọc về cuốn sách này?

- Cuốn sách là công sức của cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã dày công nghiên cứu, tìm tài liệu, thực hiện trong nhiều năm. Trong đề tài Thư mục Hán Nôm về biển, đảo Việt Nam; chúng tôi đã tuyển chọn tài liệu lên tới 3.000 trang và lần này chọn ra 46 đơn vị tài liệu phục vụ cho việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Cuốn sách dày 479 trang gồm có bản đồ, địa chí, văn bản hành chính, tạp văn, cùng nhiều tư liệu khác. Có những tư liệu đã được công bố ở nhiều dạng khác nhau, nhưng đây là lần đầu tiên được công bố nguyên bản. Những tư liệu trong tập sách này thể hiện nhất quán quan điểm lập trường của Nhà nước phong kiến Việt Nam đã từng quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Đây là những tư liệu thuộc về Nhà nước quản lý, rất có giá trị khoa học và làm căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

- Điều đó chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc sự quản lý của Việt Nam từ rất lâu? 

- Việt Nam cũng như những nước trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về đề tài này. Các học giả trong và ngoài nước đã tốn rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu. Và tất cả các tài liệu đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc vùng biển của Việt Nam trên ở Biển Đông, do Nhà nước Việt Nam quản lý và khai thác từ nhiều thế kỷ trong lịch sử. 

- Ngoài những tài liệu có trong cuốn sách, chắc hẳn ban biên tập vẫn còn có thêm nhiều tư liệu về đề tài này? 

Tại các cơ quan trong và ngoài nước, tại các thư viện của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vẫn đang lưu giữ nhiều tài liệu, bản đồ, tư liệu Hán Nôm và các tư liệu viết bằng tiếng nước ngoài về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của Việt Nam ở biển Đông. 

- Vậy, những người quan tâm làm cách nào để có thể tiếp cận những nguồn tư liệu quý giá này?

- Người dân quan tâm tới đề tài này, có thể làm thẻ thư viện và nghiên cứu thêm tài liệu tại thư viện của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 

- Ông có ý kiến như thế nào khi Trung Quốc mặc dù không có bằng chứng pháp lý nhưng vẫn ngang nhiên nhận vơ họ có chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cách đây hơn 2.000 năm? 

- Họ đã cố tình xuyên tạc lịch sử. Ngoài ra họ còn bịa đặt, dàn dựng những cứ liệu lịch sử. Có thể nhìn thấy điều đó qua tập bản đồ “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá, niên đại năm 1686. Nguyên văn tập bản đồ này viết “Giữa biển khơi có dải cát gọi là Bãi Cát Vàng, dài khoảng 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng sừng sững giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh, mỗi khi có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi phía trong trôi dạt ở đây, khi có gió Đông Bắc, thuyền đi phía ngoài cũng trôi dạt ở đây và đều chết đói hết cả, hàng hoá các loại đều bỏ lại ở đó. Nhà Nguyễn hằng năm vào cuối đông đem 18 chiếc thuyền đến đó để thu đồ vật, phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn”. Những học giả Trung Quốc đã cố tình lợi dụng chấm câu, xuyên tạc địa điểm. Những trích dẫn bị cắt xén tư liệu để người đọc khó hình dung được bối cảnh lịch sử, ngữ cảnh nguyên tác. 

- Trong thời gian tới, ông và ban biên tập cuốn sách sẽ tiếp tục gửi tới bạn đọc những tài liệu quý? 

- Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm, Việt Nam có đủ bằng chứng, chứng minh một cách thuyết phục về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong thời gian tới sẽ tiến hành dịch cuốn sách này sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật… để nhiều học giả, độc giả quốc tế có thể tiếp cận nguồn tài liệu quý giá này. Dưới sự chỉ đạo của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục công bố thêm nhiều tài liệu mới. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục biên tập, sưu tầm thêm những tư liệu, bổ sung cho bộ Thư mục Hán Nôm về biển đảo Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã phát hiện cuốn sách “Giao châu dư địa chí”, được viết lại theo cuốn của Trương Phụ Mộc Thạch đời nhà Minh (Trung Quốc) cũng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. 

- Xin cảm ơn ông!

Sách giáo khoa của Trung Quốc thể hiện biên giới nước này chỉ đến đảo Hải Nam: Theo PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, có thêm một tư liệu rất quan trọng đó là cuốn sách giáo khoa của Trung Quốc được xuất bản năm 1912 thể hiện biên giới nước này chỉ tới đảo Hải Nam. Cuốn sách giáo khoa do Bộ Giáo dục của nước Trung Hoa dân quốc phát hành nên có thể coi đây là sự thừa nhận về mặt Nhà nước, rằng hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa chưa bao giờ là của Trung Quốc.