Tối ưu hóa trục hàng không Bắc-Nam: Sẽ mở thêm đường bay song song

ANTĐ - Năm 2015, Cục Hàng không Việt Nam sẽ đưa vào khai thác thêm một đường bay trục Bắc- Nam, thành 2 đường bay song song, ngược chiều, tiếp tục đàm phán với Lào, Campuchia giảm chi phí vùng trời để rút ngắn đường bay Hà Nội- TP. HCM qua không phận 2 nước này.

“Đường bay vàng” không khả thi

Năm 2009, phi công Mai Trọng Tuấn từng đưa ra ý tưởng về một “đường bay vàng”, tức đường bay thẳng Bắc- Nam ngắn nhất qua không phận Lào và Campuchia. Ông Tuấn đánh giá, nếu bay theo đường bay này sẽ rút ngắn so với đường bay Bắc- Nam hiện tại khoảng 12 phút bay, tiết kiệm 1.500 lít nhiên liệu cho mỗi chuyến. Tiếp đó, TS. Trần Đình Bá, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng đề xuất ý tưởng tương đồng. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã đề nghị Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu đề xuất “đường bay vàng” nói trên.

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, ý tưởng mở đường bay thẳng Hà Nội – TP. HCM đã được Cục Hàng không Việt Nam, Lào, Campuchia nghiên cứu từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, mâu thuẫn về mặt nhu cầu trong khai thác, sử dụng vùng trời bởi nhiều bên tham gia và đặc biệt là lý do kỹ thuật nên ý tưởng này không thành hiện thực. 

Tính toán cho thấy, nếu vạch thẳng một “đường bay vàng” như vậy sẽ tạo thêm 12 điểm giao cắt qua biên giới Việt Nam, 4 điểm giao cắt qua biên giới Lào- Campuchia- Thái Lan, 24 điểm giao cắt với các đường hàng không trong lãnh thổ Việt Nam và 29 đường giao cắt với các đường hàng không trong lãnh thổ Lào- Campuchia- Thái Lan, có điểm giao cắt ra- vào chỉ khoảng 2 phút bay, rất phức tạp và bất hợp lý. “Việc mở các điểm giao cắt đường bay qua biên giới rất phức tạp, liên quan đến công tác an ninh, vùng trời của mỗi quốc gia. Để mở đường bay thẳng Hà Nội- Côn Minh (Trung Quốc) tiết kiệm gần 25 phút bay như hiện nay, chúng ta phải mất 9 năm đàm phán với Trung Quốc”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam bày tỏ. Đó còn chưa kể, hiệu quả kinh tế của “đường bay vàng” Hà Nội- TP. HCM qua không phận Lào- Campuchia không hiệu quả vì chi phí quá cao. Theo tính toán, chi phí quá cảnh qua Lào, Campuchia trung bình với một chiếc Boeing 777 là 806 USD/ ngày thường và 854 USD/ ngày lễ, con số tương tự với tàu A320 là 622 USD và 663 USD.

Tiếp tục rút ngắn đường bay Bắc- Nam

Tuy vậy, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT đã thống nhất về mặt chủ trương, tổ chức lại vùng trời, cơ cấu lại hệ thống trục bay Bắc- Nam nhằm giảm tắc nghẽn đường hàng không. Theo đó, sẽ thiết lập thêm một đường bay tầng cao Bắc- Nam, tạo thành hai đường bay song song một chiều, Hà Nội- TP.HCM và TP. HCM- Hà Nội. Đường bay này sẽ đưa vào khai thác trong năm 2015 góp phần giảm tắc nghẽn, giảm áp lực không lưu trong điều hành bay, nâng cao tính an toàn và kinh tế cho các hãng bay. 

Theo Cục Hàng không, nếu như đường bay Bắc- Nam trước đây bay mất 1 giờ 45 phút thì qua 5 năm nắn chỉnh, đường bay hiện tại đã rút ngắn xuống còn 1 giờ 38 phút. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển khá nhanh, cơ sở hạ tầng tại các sân bay, năng lực điều hành còn hạn chế đã dẫn tới quá tải. Các sân bay lớn hiện tại đều đang trong cảnh khai thác quá năng lực nên thường xuyên xảy ra tắc nghẽn vào giờ cao điểm. Như tại sân bay Tân Sơn Nhất, trước kia máy bay chỉ phải lăn 12 phút là ra đến đường cất hạ cánh, nhưng hiện tại phải mất 20 phút vì nghẽn đường lăn. 

Do vậy, cùng với kế hoạch sắp xếp, củng cố lại đường bay, ngành GTVT cũng đang đầu tư, nâng cấp, mở rộng hệ thống các nhà ga, sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Cục Hàng không cho hay, nhà ga T2 Nội Bài sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay, cung cấp thêm 30 vị trí đỗ máy bay, đáp ứng về cơ bản nhu cầu khai thác của các hãng. Còn, sân bay Tân Sơn Nhất cũng vừa được bàn giao 3,4ha/7,6ha đất trong kế hoạch mở rộng. Diện tích đất này sẽ được xây dựng đường lăn một chiều.

Bên cạnh đó, ông Lại Xuân Thanh cho hay, trong thời gian tới, Cục này tiếp tục đàm phán với phía Lào và Campuchia giảm chi phí cho các chuyến bay nội địa Việt Nam qua không phận hai nước để tiếp tục tối ưu hóa đường bay Bắc- Nam. Tính toán của Cục Hàng không cho thấy, nếu đàm phán được với phía Lào, Campuchia giảm chi phí, thì đường bay Hà Nội- TP. HCM qua điểm giao cắt ViBun (Campuchia) rồi về TP.HCM tiếp tục được rút ngắn còn 1 giờ 34 phút.

Hiện tại, trục bay Bắc- Nam qua Lào, Campuchia cũng đã được các hãng hàng không sử dụng cho đường bay Hà Nội- Phú Quốc, rút ngắn được 20 phút bay. Tuy nhiên, các hãng chỉ sử dụng đường bay này cho tuyến Hà Nội- TP. HCM khi tránh bão vì chi phí quá cảnh cao.