Theo dấu chân Bác Hồ

(ANTĐ) - Hôm qua 27-8, đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đã đến thăm ngôi nhà mà Bác Hồ từng sống trong thời gian hoạt động tại thành phố Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Nơi đây hiện được dùng làm nhà lưu niệm, trung tâm nghiên cứu, bảo tồn những bức ảnh, hiện vật tái hiện cuộc đời cũng như sự gắn bó của Bác Hồ với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. 

Hành trình Liên hoan thanh niên Việt-Trung:

Theo dấu chân Bác Hồ

(ANTĐ) - Hôm qua 27-8, đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đã đến thăm ngôi nhà mà Bác Hồ từng sống trong thời gian hoạt động tại thành phố Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Nơi đây hiện được dùng làm nhà lưu niệm, trung tâm nghiên cứu, bảo tồn những bức ảnh, hiện vật tái hiện cuộc đời cũng như sự gắn bó của Bác Hồ với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. 

>>>Thúc đẩy thanh niên Việt - Trung lập nghiệp

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu (hàng thứ nhất thứ 3 từ phải sang) và các đại biểu thanh niên tham quan nhà lưu niệm

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu (hàng thứ nhất thứ 3 từ phải sang) và các đại biểu thanh niên tham quan nhà lưu niệm

Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh Liễu Châu nằm ở số 1 đường Liễu Thạch, thành phố Liễu Châu, có kết cấu 2 tầng theo kiểu dáng đặc trưng Trung Quốc, được xây dựng bằng đá và gạch vào năm 1930, khi đó được gọi là khách sạn Nam Dương. Trong thời gian từ tháng 9-1943 đến 9-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống trong phòng khách phía đông tầng 2 của khách sạn. Chính tại đây, Bác đã tổ chức và lãnh đạo nhiều hoạt động cách mạng quan trọng của Việt Nam.

Là một người nghiên cứu khá kỹ lưỡng về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt buổi tham quan, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Bí thư Thành đoàn Hà Nội đã giảng giải cho cả đoàn về mối quan hệ của Bác với Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng như nhân dân Trung Quốc. Đồng chí xúc động nói: “Thời gian Bác sống, làm việc ở đây là thời gian hết sức khó khăn. Đảng và chính quyền, nhân dân Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc đã giúp đỡ đùm bọc Bác để vượt qua những khó khăn này. Khi đến đây, chúng ta càng trân trọng tình cảm của các bạn Trung Quốc dành cho Bác. Mỗi bạn trẻ càng phải thấy được trách nhiệm của mình phải học tập, rèn luyện, cống hiến để xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh”. 

Ngoài gian phòng cũ được phục nguyên đồ đạc Bác từng dùng, hiện ngôi nhà được sử dụng làm nơi trưng bày hàng trăm bức ảnh về những quãng thời gian hoạt động cách mạng gắn liền với lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc của Bác. Một trong số đó ghi lại hình ảnh Bác đến Liễu Châu lần thứ 3 năm 1954 và có cuộc hội đàm quan trọng với Thủ tướng Chu Ân Lai về việc giải quyết vấn đề hòa bình ở Đông Dương thông qua Hội nghị  Geneve.

“Buổi tham quan thực sự có ý nghĩa rất sâu sắc, nó giúp chúng tôi càng hiểu hơn sự hy sinh, tinh thần đấu tranh bất khuất, tinh thần yêu nước, cách mạng của Bác. Các đồ dùng của Bác vẫn được giữ gìn cẩn thận, điều đó cho thấy ở bất cứ nơi đâu, Bác vẫn luôn được yêu mến và kính trọng. Ngôi nhà là bằng chứng rõ nét về tinh thần hữu nghị Việt-Trung thắm thiết và cao đẹp”, Nguyễn Nam Hà - Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Bách khoa cho biết.

Dương Lệ Viên, tình nguyện viên, sinh viên Khoa Tiếng Việt trường Cao đẳng Nghề nghiệp Liễu Châu cũng khẳng định, “Tôi đã từng đến nhà cũ của Bác Hồ nhiều lần và cảm tưởng bao trùm lên tất cả luôn là lòng tôn kính với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người bạn lớn của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Thế hệ trẻ chúng tôi sẽ giữ gìn những hiện vật về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ như giữ gìn tình bạn thắm thiết giữa thanh niên 2 nước Việt-Trung”.

Bảo Trâm