Sẽ phạt nặng gấp đôi tại các đô thị

ANTĐ - Hôm qua, 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 7. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã nghe và góp ý vào Báo cáo về một số vấn đề quan trọng của dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Vi phạm giao thông ở Hà Nội sẽ bị xử phạt nặng gấp đôi mức thông thường

Liên quan đến mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, Thường trực Ủy ban Pháp luật đưa ra hai phương án. Ở phương án 1, mức phạt tiền là từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân; đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác. Phương án 2, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng trừ trường hợp quy định tại luật khác. 

Đa số ý kiến phát biểu tại phiên họp đều đồng tình với việc áp dụng trần phạt cao hơn đối với tổ chức, pháp nhân. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển thậm chí còn có quan điểm nghiêm khắc hơn. Ông cho rằng: “Phạt 2 tỷ đồng với tổ chức, pháp nhân nhiều khi vẫn chưa thấm tháp gì, nhất là với loại hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Tuy nhiên, mức phạt càng cao thì chuyện thương lượng, hối lộ cán bộ càng dễ xảy ra. Vì thế, phải thiết kế “chốt chặn” hiện tượng tiêu cực này...”.

Các ý kiến trong UBTVQH nhất trí cao với quy định mức phạt tiền cao hơn, nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, đô thị tại nội thành 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc làm cần thiết, vì tác hại của hành vi vi phạm trong các khu vực đông dân cư, mật độ công trình cao... lớn hơn nhiều so với nơi khác. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số thành phố lớn như Nha Trang, Hạ Long, Huế… vào danh sách này. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu: “Cần mở rộng hành vi vi phạm bị phạt nặng trong lĩnh vực môi trường, đô thị. Chẳng hạn hành vi gây ra tiếng ồn, xả chất thải trái phép hoặc vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự...”.

Quan tâm đến hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng vi phạm hành chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Có nên quy định tịch thu chiếc xe tham gia đua trái phép khi nó không thuộc sở hữu của người vi phạm”? Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nêu quan điểm: “Cùng một hành vi vi phạm mà có trường hợp tang vật, phương tiện bị tịch thu, có trường hợp không là không công bằng. Trong mọi trường hợp đều phải tịch thu, sau đó có biện pháp xử lý. Người sử dụng phương tiện vi phạm pháp luật phải có trách nhiệm với chủ tài sản”. Ông Hoàng Thế Liên cho rằng, chỉ trong trường hợp rất hẹp là phương tiện “bị chiếm đoạt để sử dụng trái phép” mới trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, chủ sở hữu hợp pháp không có lỗi và họ không phải chịu trách nhiệm về vi phạm do người khác gây ra. Nếu tịch thu phương tiện bị sử dụng trái phép sẽ phương hại đến quyền hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển yêu cầu Chính phủ quy định rõ ràng vấn đề này trong Nghị định hướng dẫn: “Phải có cách xử lý như thế nào đó chứ không đơn giản là trả lại tất cả. Trường hợp bố mẹ quản lý không nghiêm, để con vị thành niên sử dụng ô tô, xe máy, gây nguy hiểm cho xã hội thì sao?”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu ví dụ: “Tôi biết trường hợp chủ sở hữu phương tiện cố tình giao xe cho người khác lái xe chở gỗ lậu”. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nguyên tắc là nếu xác định rõ chủ sở hữu của phương tiện không có lỗi thì không tịch thu phương tiện.