Quy định kê khai tài sản chống tham nhũng chính thức có hiệu lực

ANTĐ - Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai tài sản không trung thực có thể chịu các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Đây là quy định tại Nghị định số 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản thu nhập vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ hôm nay 5-9.
Quy định kê khai tài sản chống tham nhũng chính thức có hiệu lực ảnh 1
Tiền gửi ngân hàng là một trong các loại tài sản phải kê khai


Những ai phải kê khai

Theo Nghị định sẽ có 9 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Nhóm phải kê khai thứ nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Nhóm thứ hai là cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nhóm thứ ba là sĩ quan chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó tiểu đoàn trưởng trở lên trong Quân đội nhân dân; sĩ quan chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó trưởng công an phường, thị trấn, phó đội trưởng trở lên trong Công an nhân dân.

Nhóm thứ tư là người giữ chức vụ tương đương phó trưởng phòng trở lên tại bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ quan báo, tạp chí, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Nhóm thứ năm là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của Nhà nước.

Nhóm thứ sáu là thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý tương đương từ phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp Nhà nước, người là đại diện phần vốn của Nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp Nhà nước và giữ chức danh quản lý từ phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp Nhà nước.

Nhóm thứ bảy là, bí thư, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND xã, phường, thị trấn; trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, cán bộ địa chính, xây dựng, tài chính, tư pháp-hộ tịch xã, phường, thị trấn.

Nhóm thứ tám là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký toà án, kiểm toán viên Nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên Nhà nước.

Nhóm thứ chín là người không giữ chức vụ quản lý trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, công an nhân dân làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực theo quy định như tổ chức cán bộ, tài chính, ngân hàng, công thương, xây dựng, giao thông, y tế...

Nghiêm cấm các hành vi che giấu, tẩu tán tài sản
Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Qua đó, nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người phải kê khai phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm tự kê khai các thông tin theo quy định tại mẫu Bản kê khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai.

Các tài sản phải kê khai bao gồm, các loại nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất; Tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài mà giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.

Các tài sản ở nước ngoài; Ô tô, mô tô, xe máy, tầu, thuyền; Tổng thu nhập trong năm; Kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên cũng sẽ nằm trong diện phải kê khai.

Theo Nghị định, các hành vi kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời; tẩu tán tài sản; che dấu thu nhập dưới mọi hình thức bị nghiêm cấm.

Việc khai thác, sử dụng trái pháp luật Bản kê khai; lợi dụng việc minh bạch tài sản, thu nhập để gây mất đoàn kết nội bộ; gây khó khăn, cản trở việc xác minh tài sản, thu nhập; xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của người được xác minh hoặc để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Hay cố ý làm sai lệch nội dung, hủy hoại Bản kê khai; Làm sai lệch hồ sơ, kết quả xác minh; tiết lộ thông tin của hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập khi chưa được phép của người có thẩm quyền cũng là những hành vi bị nghiêm cấm.

Nghị định cũng quy định các hình thức kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tặng thêm không trung thực. Cụ thế, đối với cán bộ áp dụng một trong các hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.

Đối với công chức áp dụng một trong các hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức.  Đối với viên chức áp dụng một trong các hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức... Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ hôm nay, ngày 5-9-2013.