Người tạc tượng Đại tướng ở Tây Nguyên

ANTĐ - Ở Tây Nguyên có tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất uy nghiêm. Người tạc bức tượng đó là điêu khắc gia Lê Sĩ Soái ở số 7 đường Ung Văn Khiêm Pleiku - Gia Lai. 

Nhà điêu khắc Lê Sĩ Soái dành hết tâm huyết để tạc tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tấm lòng với Đại tướng

Ở Tây Nguyên, ai cũng biết có một tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyệt đẹp đặt trang trọng trước nhà của nghệ sĩ Lê Sĩ Soái. Bức tượng bán thân này là sự tri ân sâu sắc mà anh và đồng bào Tây Nguyên dành cho vị Tướng đáng kính của dân tộc.

Lê Sĩ Soái kể, bức tượng Đại tướng được tạc khi Người còn sống. Và cho đến nay, bức tượng Đại tướng trở thành một địa chỉ để nhân dân địa phương đến thắp hương tưởng nhớ Người. 

Những ngày bức tượng mới hoàn thành, bà con khắp thành phố Pleiku nườm nượp kéo đến chiêm ngưỡng. Khi Đại tướng qua đời, vì đường xá xa xôi, nhân dân các tỉnh Tây Nguyên không có điều kiện ra Quảng Bình hay Hà Nội để phúng viếng tưởng nhớ nên đã cùng nhau đến nhà nghệ sĩ Lê Sĩ Soái thắp nén nhang trước tượng Đại tướng. 

Lê Sĩ Soái tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật Huế năm 1996, được phân công công tác ở Sở Xây dựng rồi Công ty tư vấn thiết kế nhưng cuối cùng Soái vẫn bỏ. Với cá tính sáng tạo của mình, anh không thích gò mình vào đời sống công chức, Soái không chỉ sống  được bằng nghề mà còn ghi dấu sức sáng tạo của mình bằng hai công trình mỹ thuật lớn: Tượng đài Nguyễn Huệ ở di tích Tây Sơn thượng đạo và “Tháng ba” ở thành phố Kon Tum...

Lê Sĩ Soái kể: “Ngay từ lúc ra trường anh đã nuôi ý tưởng sáng tác một bức tượng về Đại tướng. Ngoài lẽ là một danh tướng hàng đầu thế kỷ, Đại tướng còn là người đồng hương (Lê Sĩ Soái quê ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình)”. 

Được biết, bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tạo hình bằng chất liệu thạch cao, có chiều cao 1,2 m, rộng 90 cm với trọng lượng 120 kg. Bức tượng nêu bật được thần thái và sự uy nghiêm của một vị tướng, đồng thời, cũng tỏ rõ được sự nhân hậu, khoan dung của một vĩ nhân. 

Lê Sĩ Soái cho hay: “Thú thật, mình vẫn chưa hài lòng. Bức tượng chưa toát lên hết cái “thần” của Đại tướng. Mình đang tục hoàn chỉnh và trên hình mẫu tác phẩm này, sẽ sáng tác tiếp một bức tượng Đại tướng bằng chất liệu đá. Và xa hơn sẽ là một tác phẩm thể hiện mối quan hệ giữa Đại tướng với Bác Hồ”.

Ngoài điêu khắc, Lê Sĩ Soái còn là một họa sỹ tài năng

Nhân dân cung kính 

Từ khi Đại tướng về với tổ tiên, đến những ngày khi đất nước kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, rất nhiều người đã đến thắp nén nhang trước tượng Đại tướng. Đem đến một lẵng hoa tươi, cung kính đặt lên ban thờ dưới bức tượng Đại tướng, sau khi thắp hương tưởng niệm xong, ông Trần Minh Quân (70 tuổi) ngụ tại TP Pleiku tâm sự: “Tôi quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình, mảnh đất mà Đại tướng chọn làm nơi yên nghỉ cuối cùng, tôi thấy sung sướng, tự hào quá. Đại tướng trở về Quảng Bình là nơi chôn nhau cắt rốn là tình cảm rất tốt đẹp, vì quê hương là nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng ta những bài học làm người sâu sắc nhất. Hôm Đại tướng ra đi, tôi định về quê để cùng bà con đón linh cữu Đại tướng vào và đốt nén hương thơm dâng lên Đại tướng để tỏ lòng biết ơn. Nhưng biết tin nhà điêu khắc Lê Sĩ Soái đã làm tượng Đại tướng và lập ban thờ, tôi đã cùng vợ con đến đây dâng hương tưởng niệm. Chuyện anh Soái và nhiều người dân trên đất nước mình lập ban thờ Đại tướng để tri ân, hiếu nghĩa tôi thấy rất hay, đó là nét đẹp văn hóa của dân tộc, tưởng nhớ vị Đại tướng mà họ vô cùng kính yêu”.

Ông Phạm Xuân Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: “Bức tượng bán thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà nghệ sỹ Lê Sĩ Soái sáng tạo đã nói lên tất cả, từ cuộc sống dung dị đến tâm hồn thanh cao của Đại tướng, một con người vĩ đại của dân tộc, cả cuộc đời vì nước vì dân. Tôi rất cảm phục tác giả đã tạc bức tượng Đại tướng có hồn như thế!”.