Bộ trưởng Bộ Y tế thị sát bệnh viện:

Người bệnh đã “dễ thở” hơn

ANTĐ - Ngày 11-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi kiểm tra, làm việc với Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều và Bệnh viện Nội tiết Trung ương cơ sở Tứ Hiệp. Đây là 2 bệnh viện đã từng có thời kỳ quá tải lớn nhất khu vực phía Bắc.

Bệnh nhân ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương phản ánh thực tế với Bộ trưởng Bộ Y tế

Quá tải đã giảm

Từng bị xếp ở tốp đầu các bệnh viện bị người dân kêu ca nhiều nhất thế nhưng đến nay, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện K cơ sở 3 tại Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã có nhiều thay đổi. Người bệnh vẫn còn phải nằm ghép nhưng đã thoải mái hơn vì phòng rộng, thoáng, sạch. Sáng 11-7, khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến kiểm tra khu vực khám bệnh của bệnh viện này, nhiều bệnh nhân được hỏi đã khen ngợi các biện pháp giảm tải mà bệnh viện thực hiện. PGS.TS Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, nếu như tại cơ sở 1 của Bệnh viện K ở phố Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước đây, tình trạng người bệnh phải nằm ghép 3-4 người/ giường rất phổ biến thì từ khi cơ sở 3 tại Tân Triều đi vào hoạt động, tình trạng quá tải đã giảm được khoảng 70%. 

Tương tự, khi Bệnh viện Nội tiết Trung ương cơ sở 2 đi vào hoạt động từ cuối năm 2012 đến nay, đa số người bệnh đến bệnh viện này đã được nằm mỗi người một giường, buồng bệnh sạch sẽ, một số khoa đã có buồng bệnh có phòng vệ sinh khép kín. Đặc biệt khu vực khám bệnh được bổ sung trang thiết bị (ghế ngồi chờ, quạt, điều hòa, bảng chỉ dẫn…); phòng khám bệnh, bàn khám được tăng thêm. Qua phản ánh từ hệ thống đường dây nóng của bệnh viện cũng như khảo sát của chúng tôi tại bệnh viện khi cùng Bộ trưởng Bộ Y tế đến kiểm tra vào sáng 11-7 cho thấy, thái độ ứng xử của cán bộ, nhân viên y tế ở đây đã được cải thiện đáng kể.

Tại cả 2 bệnh viện này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đều đánh giá rất cao nỗ lực của bệnh viện trong việc giảm tải. “Tôi từng đến thăm cơ sở 1 của Bệnh viện K, thấy 4 người bệnh được xếp chung một giường, 2 người nằm truyền hoá chất, 2 người ngồi đợi. Chỗ chật chội, bệnh nhân quá đông, chỉ đứng 5-10 phút đã thấy thiếu ôxy trầm trọng. Còn hiện giờ tại cơ sở 3, bệnh nhân dù vẫn còn phải nằm ghép nhưng thoáng, thoải mái hơn, không còn phải ngồi truyền hóa chất nữa” -  Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ. 

Thủ tục phải đơn giản hơn

Tại buổi kiểm tra ở Bệnh viện K cơ sở 3, khi được hỏi về thủ tục khám chữa bệnh có thuận tiện hay không và thái độ phục vụ của nhân viên y tế ra sao, nhiều bệnh nhân đã phản ánh thẳng thắn với báo chí và Bộ trưởng Bộ Y tế về những phiền hà mà họ gặp phải. Bệnh nhân Đỗ Xuân Viên (60 tuổi, ở Thanh Hóa) phàn nàn về việc ông có giấy hẹn của bệnh viện tháng 7 ra điều trị lại nhưng ông phải chờ đợi đến nay đã một tuần rồi mà chưa được nhập viện. “Tôi thấy thủ tục ở bệnh viện khá phiền hà, đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo nghiên cứu cải cách hành chính để người bệnh đỡ khổ” – ông Đỗ Xuân Viên nói. Một số bệnh nhân khác cũng phản ánh về việc họ không được thầy thuốc giải thích cặn kẽ về các thủ tục chuyển viện, nhập viện dẫn đến phải chạy đi chạy lại nhiều lần, mất thời gian chờ đợi.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, mặc dù ngành y tế đang nỗ lực rút ngắn các quy trình khám chữa bệnh để góp phần giảm tải nhưng trên thực tế tại một số bệnh viện lại nảy sinh những quy định “tự phát”, tự vẽ thêm nhiều thủ tục. Điều này khiến người bệnh vừa mất thời gian chờ đợi vừa phát sinh thêm chi phí khác, gây thiệt hại kinh tế. Chẳng hạn như việc một số bệnh viện bắt người bệnh theo diện khám bảo hiểm y tế phải photo giấy chuyển viện và thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh. Những quy định như thế là gây phiền hà và làm phức tạp thêm cho người dân” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Đường dây nóng đã giúp “trong sạch hóa” thầy thuốc

Qua kiểm tra 2 bệnh viện nói trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận xét, đường dây nóng đang trở thành công cụ giám sát hữu hiệu. Với việc đẩy mạnh hoạt động của đường dây nóng y tế, Bộ này đang thể hiện rõ quyết tâm “làm mạnh” để “trong sạch hóa” đội ngũ thầy thuốc. Cũng qua các thông tin từ đường dây nóng y tế, Bộ Y tế sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm mất hình ảnh người thầy thuốc.