Quốc hội thảo luận về dự Luật Lao động:

Nghỉ thai sản 6 tháng

ANTĐ - Hôm nay, 22-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lao động (sửa đổi). Các ĐBQH quan tâm nhiều tới việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng như thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ. Đặc biệt, các ĐBQH đã tranh luận sôi nổi về đề xuất tăng giờ làm thêm.

Quy định nghỉ thai sản 6 tháng là phù hợp với mục đích bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em


Vợ đẻ, chồng được nghỉ?

Ủng hộ việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nói, nếu coi lao động là một nghĩa vụ thì phải bình đẳng. Như vậy, nam và nữ đều phải có nghĩa vụ lao động đến 60 tuổi. Ông nói: “Chưa có cơ sở nào để quy định nghĩa vụ lao động của phụ nữ thấp hơn nam giới, trong khi tuổi thọ nữ giới bây giờ cao hơn nam giới. Cho nên, tôi đề xuất một phương án tuổi nghỉ hưu của cả nam, nữ đều là 60. Trong điều kiện bình thường, lao động nữ được quyền nghỉ hưu trước 5 năm và trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại thì nam được nghỉ hưu trước 5 năm và nữ được nghỉ hưu trước 10 năm”.

Đặc biệt quan tâm tới thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) cho rằng, quy định nghỉ thai sản 6 tháng là phù hợp với mục đích bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Bà nói: “Thực tế cũng có những chị em vì nhiều lý do muốn đi làm sớm hơn nên phương án của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất, quy định linh hoạt từ 4 đến 6 tháng có lẽ là phương án tối ưu hơn để cho chị em có thể lựa chọn”. Phản ánh tình trạng một số lao động nữ bị mất việc làm sau khi sinh con, ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) đề nghị, các địa phương, cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định về sử dụng lao động.

Cũng liên quan tới thai sản, ĐB Triệu Mùi Nái (Hà Giang) cho rằng, cần có quy định khuyến khích người chồng được nghỉ tối đa là 10 ngày hưởng nguyên lương và phụ cấp khi vợ sinh con. ĐB Nguyễn Minh Phương (TP Cần Thơ) đề nghị bổ sung quy định “trong thời gian nghỉ thai sản, nếu vợ hoặc con nhỏ bị bệnh thì người chồng có thể được nghỉ thêm 3 ngày để chăm sóc…”.

Buộc phải làm thêm vì lương thấp

Một nội dung khác của dự luật được thảo luân sôi nổi là quy định theo hướng tăng thời gian làm thêm của người lao động. Một số ĐBQH đồng tình với qui định mới và cho rằng, tăng giờ làm thêm là hợp lý, đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp, nhu cầu làm thêm để tăng thêm thu nhập của một bộ phận người lao động, nhất là trong các ngành, nghề thu nhập thấp…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại phản đổi gay gắt quy định này vì cho rằng, đây là “một bước thụt lùi” so với hiện tại. ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) nói, người lao động muốn làm thêm vì tiền lương quá thấp. Từng giữ cương vị người đứng đầu tổ chức bảo vệ người lao động, bà tỏ ra rất bức xúc: “Họ phải tình nguyện làm thêm để có thêm một bữa cơm và có thêm thu nhập. Chúng ta sai lầm ở chỗ xây dựng tiền lương tối thiểu quá thấp. Người sử dụng lao động căn cứ vào đó để xây dựng đơn giá tiền lương trên một đơn vị sản phẩm rất thấp. Do đó, người lao động phải làm việc cật lực mà cũng chỉ hơn tiền lương tối thiểu một chút…”.

Cũng theo thông tin của ĐB Cù Thị Hậu, có tới 30% người lao động ở các khu công nghiệp bị suy dinh dưỡng. Bà tính toán rất cụ thể: “Nếu làm thêm “kịch khung”, công nhân có thể  chỉ còn được nghỉ 7 ngày trong năm! Do đó, chỉ nên quy định thời gian làm thêm giờ tối đa như cũ”. Cùng quan điểm, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đặt câu hỏi: “Nếu nhiều việc đến thế, sao doanh nghiệp không tuyển thêm lao động? Sức vóc người Việt Nam không thể chịu nổi cường độ lao động như vậy…”.

Chiều 22-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia. Trong đó, tổng diện tích đất nông nghiệp khoảng 26.732.000ha. Riêng đất trồng lúa, Quốc hội quyết định giữ nguyên 3.812.000ha.