Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: vẫn “nặng về cơ chế xin- cho”?

ANTĐ - Đây là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 9-2013 của Bộ Công Thương, diễn ra chiều 30-9.

Liệu giá xăng dầu có tăng "nhỏ giọt"?


Giá không theo thị trường ngay được

Ông Nguyễn Xuân Chiến- Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu vừa được trình Chính phủ. Trong đó có một số điểm mới là cách tính giá cơ sở có thay đổi; biên độ doanh nghiệp điều chỉnh giá giảm từ 7% hiện hành xuống còn 5%.

Bên cạnh đó, việc quản lý hệ thống xăng dầu nghiêm ngặt hơn. Theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, Nghị định mới sẽ khắc phục các hạn chế của Nghị định 84 hiện hành và nhất quán theo nguyên tắc đưa giá xăng theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, dư luận băn khoăn liệu với biên độ được tự định giá trong phạm vi 5%, xăng dầu có giống với điện, sẽ điều chỉnh giá một cách “nhỏ giọt”? Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu còn nặng về cơ chế xin- cho?

Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Xuân Chiến cho hay: “Không hẳn dự thảo còn nặng về cơ chế xin- cho. Việc điều hành giá xăng dầu nhất quán theo cơ chế thị trường. Tất nhiên, cơ chế thị trường phải hoàn chỉnh từng bước, chứ không thể nào áp dụng ngay được”.

Cũng theo vị đại diện này, doanh nghiệp được tự quyết định giá trong phạm vi 5%, không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, mà có sự giám sát của cơ quan Nhà nước.

Nới lỏng hay thắt chặt?

Theo nội dung của Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối được quyền chủ động điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong phạm vi 5%, nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 5% so với giá bán lẻ hiện hành.

Trường hợp  các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng hơn 5% đến 8%, thương nhân đầu mối gửi phương án giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Tài chính- Công Thương) trước thời gian điều chỉnh 2 ngày làm việc.

Quá hạn 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản của doanh nghiệp, nếu không có văn bản trả lời của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá trong phạm vi 5%, cộng thêm 40% của mức giá cơ sở tăng trên 5% đến 8%; 60% còn lại sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Phần trích quỹ này nếu quá thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi thương nhân đầu mối điều chỉnh tăng giá thêm 40%, mà không nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý nhà nước, thì thương nhân đầu mối được quyền chủ động điều chỉnh tăng giá, tương đương giá cơ sở tại thời điểm thương nhân đầu mối điều chỉnh giá.

Trường hợp các yếu tố cấu thành làm biến động giá tăng trên 8%, so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá xăng dầu. Thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh tăng giá là 10 ngày.

Đáng chú ý, Nghị định mới quy định, nếu cơ quan quản lý Nhà nước không có ý kiến trả lời, trong trường hợp cơ quan này phải có ý kiến trong thời hạn 5 ngày làm việc, doanh nghiệp được tự động điều chỉnh giá.

Ở chiều điều chỉnh giảm giá xăng dầu, trong phạm vi 5%, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Nếu biến động giảm giá trên 5%, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp điều tiết về tài chính theo quy định của pháp luật (thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá…) thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình, không hạn chế thời gian giữa 2 lần giảm giá và số lần giảm giá, nhưng thời gian tối đa giữa 2 lần giảm giá là 10 ngày.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, về bản chất, Nghị định mới vẫn “nửa vời” và có phần “nới lỏng” cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có điều kiện tăng giá “nhỏ giọt”.