Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12: Ngày của tình yêu Tổ quốc

ANTĐ - 12 năm nay, kể từ lần đầu tiên, Ngày thơ Việt Nam đã được người yêu thơ mặc nhiên công nhận, Rằm tháng Giêng là ngày của thơ. Năm nay, ngày thơ trùng với Ngày lễ tình nhân (14-2) chả thế mà, mặc cho nhiệt độ ngoài trời chỉ tròn 10 độ C, nhưng cả nghìn người vẫn đến Văn Miếu Quốc Tử Giám để gặp gỡ “nàng thơ”- tình yêu của mình.

Hò kéo pháo của CLB người cao tuổi Hà Nội trên Sân thơ trẻ

Thơ già… rất trẻ

Chủ đề của ngày thơ năm nay là “Mùa xuân đất nước- Từ Điện Biên tới Hoàng Sa, Trường Sa”, chính vì thế cả không gian của Văn Miếu sáng qua đỏ thắm sắc đào, tràn ngập trong những vần thơ, câu hát ngợi ca truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, ý chí đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Dù là một phần trong kịch bản và được công bố từ rất lâu, nhưng khi nhà thơ Lương Tử Đức cất giọng ngâm rất cổ bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để mở đầu cho chuỗi các hoạt động của ngày thơ thì khán giả, những người yêu thơ đứng chật cả sân nhà Đại Bái đã lặng đi.

Sau “nốt trầm” đầy cảm xúc đó. Sân thơ chính hay còn gọi sân thơ truyền thống, cũng có nhiều người vui vẻ gọi là “sân thơ già” rộn ràng với những khúc tráng ca về Tổ quốc, về Trường Sa- Hoàng Sa máu thịt, về Điện Biên Phủ quật cường… Những sinh viên của trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, tuổi đời vừa chớm đôi mươi, áo trấn thủ, lá ngụy trang… đầy sức sống thể hiện những bài ca đi cùng năm tháng: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Hò Kéo pháo”, “Giải phóng Điện Biên”… Tiếp đó, Nhà thơ Anh Ngọc tự ngâm bài: “Trời Điện Biên mây trắng”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo với bài “Bất tử”, Trần Quang Quý với bài “Nhớ một chiều Tây Bắc”, Vương Trọng có bài “Đêm rượu Điện Biên”… Một lần nữa “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc lại được thể hiện đầy xúc cảm trên sân khấu: “…Mộ gió đây những phút giây biển lặng/ Gió là tay ôm ấp bến bờ xa/ Chạm vào gió như chạm vào da thịt/ Chạm vào nhói buốt Hoàng Sa…” . Tác giả của “Tổ quốc nhìn từ biển”- nhà thơ Nguyễn Việt Chiển, cất giọng hào sảng: “Thêm một lần Tổ quốc sinh ra”, bài thơ ẩn chứa đầy bão giông nhưng rồi sau tất cả những ồn ào bão giông đó vẫn là: “Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa/Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo/Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão/Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra!”.

Nhiều người bảo: “Năm nay đi hội thơ vui!”. Phần vì cái chủ đề đầy hào sảng đó, phần vì sân thơ già năm nay rất… trẻ. Trẻ trung khi cùng với thơ là những màn múa rộn ràng màu sắc của những nếp áo mớ ba mớ bảy, của cái lúng liếng áo yếm trống cơm, của điệu khèn nơi miền đá, của cả điệu Then “Cầu an mùa xuân”.

Triển lãm ““Nửa thế kỷ các nhà thơ chống Mỹ”

Thơ trẻ… ít thơ

Trong khi “Sân thơ già” bên ngoài rộn rã với màn hát múa “Hò kéo pháo” được thể hiện bởi các sinh viên của trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội thì Sân thơ trẻ phía trong nhà Thái Học cũng có một màn “Hò kéo pháo”, nhưng là của các hội viên CLB Người Cao tuổi Hà Nội. Cũng “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo”, cũng rộn rã, cũng hào sảng chẳng thua gì lớp trẻ. Ở phần trình diễn thơ, ngoại trừ nữ nhà thơ Bình Nguyên Trang ra thì thơ trẻ năm nay đa phần là những gương mặt mới như: Nguyễn Minh Cường (Bắc Ninh), Nguyễn Thế Kiên (Nam Định), Lê Vĩnh Thái (Huế), Lê Vi Thủy (Gia Lai), Trương Xuân Thiên (Hà Nội). Nhạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến- người cũ nhất của Sân thơ trẻ vừa từ Pháp trở về cũng mau mắn tham gia với một bài hát anh vừa sáng tác “Tháng Hai” cùng 2 bài thơ “Bầy chào mào đến đón” và “Tuổi tôi”. Vẫn như từ cái thuở sáng tác “Bà tôi”, dù thơ hay nhạc thì  Nguyễn Vĩnh Tiến vẫn vậy, vẫn là những lời thơ giản dị, mộc mạc, gần gũi đến đắm say: “Quê tôi cả thẹn hay lo/ Dòng sông vắng khách con đò trầm ngâm” hay “ Mặt trời nửa giống viên bi/ Lại vừa giống điểm bài thi hôm nào”.

Chỉ với hai tổ khúc “Ngày trong veo ý tưởng thanh xuân” và “Mùa xuân của mẹ”, Sân thơ trẻ năm nay xem ra hơi… ít thơ. Tuy nhiên, sân khấu này vẫn thu hút rất đông khán giả… già, vì những cách tân, sáng tạo, đột biến bất ngờ. Cũng là nét thú vị khi cả xẩm, cả quan họ cùng hòa chung giọng với thơ.

Nhằm tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của các nhà thơ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Triển lãm “Nửa thế kỷ các nhà thơ chống Mỹ” đã diễn ra trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam. Triển lãm trưng bày sách, bản thảo, các hiện vật gắn bó trong kháng chiến của các nhà thơ Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Anh Đức, Lê Văn Đức, Phạm Đình Hổ, Vũ Quần Phương...