Mưu mô thao túng

ANTĐ - Cuốn hộ chiếu mà Trung Quốc vừa phát hành có in bản đồ “đường lưỡi bò” đã trở thành trường hợp đặc biệt khi vấp phải sự phản đối và chỉ trích chính thức bằng đường ngoại giao của một loạt các quốc gia láng giềng châu Á. 

Hộ chiếu mới của Trung Quốc bị nhiều nước coi là không hợp lệ

Trong bản đồ của cuốn hộ chiếu này, Trung Quốc đã đưa vào cả những vùng lãnh thổ mà các quốc gia khác đang tuyên bố chủ quyền như Biển Đông ở ASEAN và vùng lãnh thổ của Ấn Độ bị Trung Quốc chiếm đóng cách đây vài thập kỷ. Đây là yêu sách bất hợp lý, thể hiện sự ngỗ ngược của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của cộng đồng dư luận quốc tế và các bên có liên quan. Điều này cho thấy, sự áp đặt một cách quá đáng của Trung Quốc lên các quốc gia láng giềng như một cách gián tiếp buộc các quốc gia đang có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông công nhận “đường lưỡi bò” của họ bằng cách đóng dấu vào quyển hộ chiếu đó. Đây là hành động láu cá, không thể chấp nhận được.

Việc làm này của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông. Điều quan trọng lúc này là Chính phủ Việt Nam đưa ra những ứng xử và sử dụng những biện pháp phù hợp với luật pháp quốc gia, luật pháp quốc tế để “đối xử” với những mẫu hộ chiếu này. Tôi cho rằng Chính phủ Trung Quốc đang làm khó cho công dân của họ trong việc nhập cảnh vào các nước khác, bởi rất nhiều nước coi hộ chiếu của họ là “không hợp lệ”. Tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ không đóng dấu vào bất kỳ cuốn hộ chiếu nào cho khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam mà chỉ cấp thị thực rời cho họ. Âm mưu của Trung Quốc chính là muốn dồn những nước láng giềng, trong đó có Việt Nam vào thế bị động. Thái độ và cách ứng xử của Trung Quốc về vấn đề này khiến không chỉ người Việt Nam mà cộng đồng quốc tế khó chấp nhận. Đây là hành động phi lý, thể hiện mưu mô thao túng các quốc gia láng giềng.   

“Đại đa số cộng đồng mạng phản đối”

Khoảng 1 tuần này, tôi biết được thông tin về việc nhà cầm quyền Trung Quốc in bản đồ “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu mới. Rõ ràng, đây là hành động không hợp lý, bởi đó là Trung Quốc tự ý làm chứ không được quốc gia nào công nhận. Có thể thấy Trung Quốc cho rằng họ là nước phát triển trên thế giới và khu vực, nên muốn làm gì thì làm. Trên các diễn đàn ở mạng Internet mà tôi thường vào thảo luận, trao đổi, trừ cư dân mạng người Trung Quốc, còn đại đa số đều phản đối “đường lưỡi bò” cũng như việc in hình “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu của Trung Quốc. Tôi cho rằng các quốc gia liên quan cần có động thái kiên quyết, kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, để chấm dứt tình trạng “tự xây luật” như cách làm của Trung Quốc hiện nay.

BOUNTHEUNG (Quốc tịch Lào, học viên Cao học năm cuối - Đại học Y Hà Nội)

“Hành động không thể chấp nhận”

Tự ý vào nhà, đất người khác và lớn tiếng nói rằng đó thuộc sở hữu của mình mà không có đủ chứng cứ chứng minh; đó là sự vô lý không thể chấp nhận. Việc Trung Quốc in hình bản đồ “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu mới đây cũng giống như vậy, không thể chấp nhận. Ngoài việc nhà cầm quyền Trung Quốc tự vẽ và tự cho rằng lãnh thổ của họ bao gồm biển, đảo trong phạm vi “đường lưỡi bò”, thì chưa có bất kỳ sự xác nhận, đồng tình nào của các nước trong khu vực cũng như các tổ chức uy tín trên thế giới. Tôi mong muốn Trung Quốc tôn trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển - năm 1982. 

TRAYYOUHENG (Quốc tịch Campuchia, sinh viên năm thứ 5 - Khoa CNTT, Đại học Bách khoa)

“Trung Quốc không thể áp đặt”

Theo tôi được biết thì chưa có quốc gia nào trong khu vực châu Á nói riêng (trừ Trung Quốc), áp dụng hình thức in bản đồ lãnh thổ lên hộ chiếu, chưa kể bản đồ “đường lưỡi bò” là sự phi lý, không được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Trung Quốc có thể là đất nước mạnh về kinh tế, quân sự, nhưng không có nghĩa họ có thể áp đặt sức mạnh ấy đối với chủ quyền quốc gia khác. Việc Trung Quốc áp đặt và tự vẽ bản đồ “đường lưỡi bò”, tôi cho rằng không có giá trị, bởi thực tế họ không có bất cứ tài liệu pháp lý nào để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển, đảo mà họ đã vẽ. Hành động phi lý, mang tính áp đặt này cần phải chấm dứt.

Kim Gi Hwan (Quốc tịch Hàn Quốc, sinh viên năm thứ 3 - khoa Việt Nam học, Đại học Hà Nội)