Mọi hoạt động trên Biển Đông phải tôn trọng luật pháp quốc tế

ANTĐ - Chiều 31-7, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ. Trong cuộc họp báo, nhiều câu hỏi “nóng” được đặt ra, thu hút nhiều sự quan tâm như việc Trung Quốc tập trận gần vịnh Bắc Bộ, quan hệ Việt – Nhật, tình hình người Việt tại vùng chiến sự ở Libya, nghi án cô dâu người Việt ở Hàn Quốc bị sát hại…

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình: "mọi hoạt động của các bên trên Biển Đông cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế"
 

Mở đầu cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình thông tin, ngày 12-8 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao sẽ kết hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị đối ngoại đa phương trong thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự và phát biểu tại hội nghị này.

Đây là hội nghị đầu tiên của Việt Nam bàn về chính sách ngoại giao đa phương trong thời kỳ mới, triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế được đặt ra tại Đại hội Đảng lần thứ XI, cũng như Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chương trình hành động của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 tháng 12-2013 về xây dựng định hướng đối ngoại đa phương hướng tới cộng đồng ASEAN 2015.

Ông Lê Hải Bình cũng cho biết, từ ngày 31-7 tới ngày 2-8, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kishida Fumio sẽ thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì phiên họp của Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 6. Hoạt động này thúc đẩy quan hệ đối tác, chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản, tăng cường sự tin cậy của hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp thương mại và đầu tư.

Giữ vừng hòa bình, tăng cường hợp tác trong khu vực

-Báo điện tử Dân Việt: Trung Quốc thông báo đang tập trận tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ, sát lãnh hải Việt Nam. Xin cho biết những hoạt động tập trận của Trung Quốc có ảnh hưởng tới các hoạt động của tàu cá, tàu kiểm ngư, hàng không của Việt Nam tại khu vực này không?

- Ông Lê Hải Bình: Việt Nam cho rằng mọi hoạt động của các bên trên Biển Đông cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển năm 1982, theo đó không làm phức tạp thêm tình hình, phải giữ vững hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải khu vực. Theo thông tin chúng tôi được biết, đến nay mọi hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam và của ngư dân trên biển vẫn diễn ra bình thường

- An ninh Thủ đô:  Việt Nam có tham dự cuộc tập trận chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt lớn nhất thế giới Fortune Guard 2014 ở Hawaii, Mỹ không? Xin hỏi lực lượng nào sẽ tham gia tập trận?

-Ông Lê Hải Bình: Việt Nam sẽ tham gia vào cuộc diễn tập mang tên Fortune Guard 2014 ở Honolulu, Hawaii, Mỹ từ ngày 4 đến 7-8 với tư cách quan sát viên.

Phóng viên ANTĐ đặt câu hỏi tại cuộc họp báo

- Tiền Phong: Ngoại trưởng Philippines vừa cho biết trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 8 tới sẽ đưa ra một kế hoạch có 3 điểm. Trong đó nêu ra các nước có liên quan trên Biển Đông cần dừng hoạt động gây căng thẳng trên biển. Bình luận của Việt Nam về đề xuất này? Đoàn Việt Nam có đề xuất nào tương tự không?

- Ông Lê Hải Bình: Việt Nam hoan nghênh mọi sáng kiến cũng như nỗ lực có tính xây dựng và đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng không và hàng hải ở khu vực.

Khi tham gia các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao tại Naypidaw, Myanmar, Việt Nam sẽ có những đóng góp thiết thực và sáng kiến để góp phần vào việc củng cố vai trò đoàn kết, trung tâm của ASEAN cũng như quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, góp phần vào duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác của khu vực.

-Tạp chí Quốc phòng Việt Nam: Về việc Ngoại trưởng Nhật Bản sang thăm Việt Nam, vậy sắp tới Nhật Bản và Việt Nam có những kế hoạch hợp tác cụ thể nào?

-Ông Lê Hải Bình: Trên tinh thần hợp tác chiến lược, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kế hoạch hợp tác và nâng cao năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam và Nhật Bản. Hiện nay, các cơ quan chức năng của hai nước đang thảo luận về nội dung cũng như hình thức hợp tác cụ thể.

Phóng viên của Hãng DPI (Đức) đặt câu hỏi tại cuộc họp báo

-Hãng DPI (Đức): Được biết gần đây, một ủy viên Trung ương Đảng Việt Nam có chỉ trích quan hệ mang tính chất liên minh của Việt Nam với Trung Quốc và cũng đề xuất những phương hướng để Việt Nam không phụ thuộc vào quan hệ liên minh này với Trung Quốc. Vậy liệu Việt Nam có thay đổi chính sách đối ngoại với Trung Quốc hay không?

-Ông Lê Hải Bình: Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và không ngừng tăng cường cũng như làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước trên thế giới cũng như quan hệ với các nước đối tác. Việc thực hiện chủ trương nhất quán này đã đưa Việt Nam lên một vị thế cao trên trường quốc tế cũng như đóng góp tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Như các bạn thấy, việc thực hiện nhất quán chủ trương độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại trong thời gian qua, đặc biệt là chủ trương của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo trong thời gian gần đây đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Hỗ trợ tối đa công dân ở nước ngoài

- An ninh Thủ đô: Về vụ việc phát hiện thi thể cô dâu người Việt bị sát hại ở Hàn Quốc, xin hỏi Bộ Ngoại giao đã nắm được thông tin này chưa và có những biện pháp gì cùng với cơ quan chức năng Hàn Quốc để điều tra vụ việc?

-Ông Lê Hải Bình: Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, ngày 29-7, cảnh sát Hàn Quốc đã phát hiện thi thể của 1 phụ nữ. Qua xác minh, điều tra, cảnh sát Hàn Quốc cho biết đây là thi thể của chị Đỗ Thị Mỹ Tiên, công dân Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã ngay lập tức phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc để thúc đẩy điều tra, xác minh vụ việc và có các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho gia đình nạn nhân.

- Tuổi trẻ: Liên quan đến tình hình ở Libya, sắp tới Việt Nam có đưa lao động ở Libya về nước hay không? Việt Nam đã có biện pháp gì bảo hộ công dân Việt ở Libya?

- Ông Lê Hải Bình: Hiện nay có khoảng 1.550 công dân Việt Nam đang làm việc tại Libya và chủ yếu là ở các khu vực chưa xảy ra chiến sự. Bộ Ngoại giao đã chỉ định các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Libya cũng như tại các nước trong khu vực theo dõi chặt chẽ tình hình, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại, cũng như với các công ty có hợp đồng với lao động Việt Nam, để sẵn sàng có các hình thức hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam đang làm việc tại Libya.

Ngay khi tình hình Libya có những diễn biến phức tạp, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya đã duy trì liên lạc thường xuyên với công dân Việt Nam làm việc tại đây để nắm rõ tình hình, kịp thời hỗ trợ công dân Việt Nam. Bộ Ngoại giao đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya và tại các nước trong khu vực để nắm rõ tình hình, có phương án phù hợp đảm bảo an toàn tối đa cho công dân Việt Nam đang làm việc ở Libya. Đại sứ quán Việt Nam ở Libya đã thiết lập 2 đường dây nóng, Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng thiết lập 1 đường dây nóng, hoạt động 24/24h, sẵn sàng hỗ trợ cho công dân Việt Nam. 

- Báo Đời sống pháp luật: Trong vụ MH17, hiện việc đưa thi thể 3 mẹ con người Việt về nước đã tiến hành đến đâu?

- Ông Lê Hải Bình: Cho đến nay, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Malaysia, Hà Lan, Ukraine vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các nước sở tại để xác định thi hài của 3 mẹ con người Việt, sẵn sàng tiến hành những thủ tục cần thiết để đưa thi thể 3 mẹ con người Việt về với gia đình theo đúng nguyện vọng của gia đình.