Mặt trái của xã hội hóa di sản

ANTĐ - Văn hóa vốn là lĩnh vực nhiều nhạy cảm, di sản ngàn năm vốn mong manh, chỉ cần một sự thờ ơ, một cái lắc đầu, ngoảnh mặt của nhà quản lý là di sản sẽ biến dạng, không cách gì cứu nổi.

Đoàn kiểm tra tận mắt thấy lục bình cỡ lớn của Trung Quốc được cung tiến ở một ngôi chùa Hà Nội

Mấy hôm nay truyền thông bàn nhiều về sư tử đá, về văn bản nhắc nhở “nhẹ nhàng” của Bộ VH-TT&DL, về cuộc kiểm tra của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên đến một vài điểm di tích, đâu cũng có sai phạm… Người ta đang cố đi tìm nguyên nhân vì sao sư tử ngoại lai, xa lạ với văn hóa bản địa lại nghênh ngang vào chùa, vào đình. Có lẽ, nguyên nhân chẳng đâu xa, nó là mặt trái của việc “xã hội hóa” di sản.

Không ai có thể phủ nhận những lợi ích tích cực của chủ trương xã hội hóa. Bằng chứng là nhiều di sản phi vật thể đã được cứu khi bấp bênh đứng bên bờ mai một. Nhiều di tích đã được phục hồi ngay trên nền xuống cấp, đổ nát và rêu phong… Thế nhưng, văn hóa vốn là lĩnh vực nhiều nhạy cảm, di sản ngàn năm vốn mong manh, chỉ cần một sự thờ ơ, một cái lắc đầu ngoảnh mặt của nhà quản lý là thôi… xong! Những giá trị ngàn đời lưu truyền bỗng bị biến dạng thành một thứ quái thai lai tạp. Nhìn vào những cái đó thấy đau lòng phẫn nộ và lo ngại cho cái hạn hẹp kiến thức lịch sử chính đất nước mình của nhiều người.

Chẳng đi đâu xa, chỉ cần dạo một vòng các đình, đền, chùa Hà Nội là có thể dựng được bức tranh toàn cảnh về xã hội hóa di sản, di tích, núp bóng công đức, cúng dường. Không hiếm các chùa dựng bia ghi danh thiện nam tín nữ đã có lòng phát tâm công đức. Có chùa sau  đợt trùng tu, sửa sang, người cung tiến nhiều đến nỗi phải khắc tới vài chục tấm bia. Và đương nhiên những tấm bia ấy được dựng ở nơi đắc địa nhất, ai cũng có thể thấy. Nhiều người thích, hễ mình cung tiến gì thì phải được lưu danh, thế là từ ghế đá, cánh cửa chùa cho đến lọ hoa, chân đèn… ai cúng cái gì thì khắc tên người đó vào.

Di tích ở ta, dù được xếp hạng hay chưa, dù là di tích cấp Quốc gia hay chỉ tầm tầm cấp tỉnh, thành phố nếu kiểm kê hẳn đầy rẫy “hiện vật lạ”. Lạ từ đôi lọ lục bình cao lêu đêu đến những chiếc chân đèn, lúc đồng, lúc gốm. Lạ cả những lọ hoa giả xanh đỏ nhấp nháy đèn trên ban thờ vốn xưa nay tượng Phật chỉ một màu sơn ta vừa thâm trầm từ bi vừa uy nghiêm linh thiêng. Lạ cho cả sân chùa đỏ rực đèn lồng văn hóa lai căng nước láng giềng. Từ bao giờ đình, chùa trở nên lòe loẹt thế này? 

Làm gì có chuyện lễ Phật, lễ Thánh hậu hĩnh thì Phật, Thánh động lòng mà ân sủng cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc. Chẳng phải đi chùa chỉ nên cầu bình an thôi sao? Ở cái nơi tôn nghiêm thế mà vung tiền vãi của, rồi thích làm gì thì làm, thích mang gì vào chùa thì mang. Ví như hôm rồi, Đoàn kiểm tra của Bộ VH-TT&DL đến chùa Mộ Lao, Hà Đông mới ngỡ ngàng thấy, Tam Bảo chùa bày đến gần chục pho tượng Dược sư, do một người dân cung tiến từ trước Tết Nguyên đán 2014. Thế là đưa lên thờ, chẳng cần biết việc bài trí tượng Phật ở chùa, tượng Thánh ở đình… cần phải tuân theo những nguyên tắc bất di bất dịch. Ngay cả tượng Quan âm Bạch Y cũng vậy, có phải thích thì dựng tượng rồi thờ được đâu. 

Đã không ít lần, trong những Hội nghị về quản lý di sản do Bộ VH-TT&DL tổ chức, nhiều đại biểu đã lên tiếng than phiền về mặt trái của xã hội hóa, một chủ trương được xem như cực kỳ tích cực thì giờ dần bộc lộ những điều cần phải quản lý, kiểm soát chặt. Có lẽ đây là thời điểm thích hợp nhất để Bộ VH-TT&DL “sốc” lại tất cả những quy định về di tích, tìm ra giải pháp hợp lý để hạn chế những mặt “khó chịu” của xã hội hóa, bên cạnh đó cũng cần có chế tài, phạt thật nặng những hành vi cố tình làm sai lệch di tích gốc thay vì ngồi nghĩ ra một văn bản đại khái như danh sách đồ vật nào được cung tiến, đồ vật nào không!