Lộ rõ âm mưu khống chế và độc chiếm Biển Đông

ANTĐ - Hơn 20 năm sau khi chiếm đóng trái phép Gạc Ma của Việt Nam, Trung Quốc đang cải tạo biến rạn san hô ngầm trở thành đảo nhân tạo quy mô với sân bay, quân cảng. TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ cho rằng Trung Quốc muốn tạo dựng một chỗ đứng để thực hiện âm mưu khống chế và độc chiếm Biển Đông, làm chỗ dựa cho các hoạt động khai thác tài nguyên và kiểm soát tuyến hàng hải quốc tế từ eo biển Malaca qua Biển Đông; có nguy cơ gây ảnh hưởng tới các hoạt động thương mại hàng hải quốc tế ở khu vực này.

- Trung Quốc đang gấp rút tiến hành xây dựng sân bay, quân cảng trái phép tại bãi đá Gạc Ma. Theo ông việc này nguy hiểm như thế nào và tại sao Trung Quốc lựa chọn Gạc Ma?

- Gạc Ma thuộc nhóm bãi cạn nằm ở Tây Bắc của Trường Sa, ảnh hưởng lớn tới hoạt động quân sự, an ninh, quốc phòng và kinh tế của Việt Nam. Bãi đá này nằm gần bờ biển miền Trung của Việt Nam, nơi chúng ta có rất nhiều căn cứ và cơ sở kinh tế, quốc phòng, an ninh. Nó cũng nằm trên con đường từ đất liền của Việt Nam ra Trường Sa, nơi chúng ta liên tục có các chuyến đi ra quần đảo này để tiếp tế lương thực và các hàng hóa khác cho dân cư và lực lượng bảo vệ ở Trường Sa. Đó là tuyến đường huyết mạch nối với đất liền. 

Gạc Ma cũng nằm gần khu vực chúng ta đang thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng thềm lục địa. Trên quy mô khu vực, Gạc Ma cũng rất có ý nghĩa về mặt địa chiến lược. Trung Quốc muốn tạo dựng một chỗ đứng để thực hiện âm mưu khống chế và độc chiếm Biển Đông, làm chỗ dựa cho các hoạt động khai thác tài nguyên và kiểm soát tuyến hàng hải quốc tế từ eo biển Malaca qua Biển Đông. Điều này có nguy cơ gây ảnh hưởng tới các hoạt động thương mại hàng hải quốc tế ở khu vực này. Hơn thế nữa, nếu Trung Quốc xây dựng được ở Gạc Ma thì họ cũng có thể làm điều đó với các bãi cạn khác như Vành Khăn, Cỏ Mây hay các bãi khác gần đất liền của Philippines, Malaysia, Brunei…

- Việc Trung Quốc xây dựng đường băng ở đảo Gạc Ma cũng là bước đi để thực hiện ý đồ xây dựng vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)?

- Mọi người đều biết, những hoạt động của Trung Quốc là hoàn toàn trái với Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS). Bởi vì, Công ước quy định các nước không thể đòi chủ quyền các bãi đá ngầm và “bãi đá không duy trì sự định cư của con người hay không có đời sống kinh tế sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Việc Trung Quốc cải tạo đất để xây đảo nổi ở Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam rõ ràng để đưa công dân Trung Quốc tới đây định cư; khi có các hoạt động kinh tế, Trung Quốc sẽ viện “thực tế mới” này để khẳng định chủ quyền bất hợp pháp và quản lý khu vực “đặc quyền kinh tế” 200 hải lý tính từ đảo nổi mới dựng ra và qua đó, Trung Quốc sẽ có thêm cơ sở để hiện thực hóa bản đồ “đường lưỡi bò” vô lý, hoàn toàn trái ngược với luật pháp quốc tế… và đương nhiên, tiếp theo những hoạt động này là gì, chắc chắn mọi người đều đã quá rõ: Khu nhận diện phòng không (ADIZ) cũng là việc sẽ làm vì họ muốn không chế cả vùng trời trên Biển Đông…

Về địa chiến lược, quần đảo Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông, một khi xây được căn cứ quân sự ở Gạc Ma, Chữ Thập và đưa radar ra khu vực này thì bán kính tác chiến của quân đội Trung Quốc ở khu vực Biển Đông sẽ khoảng 700, 800 km nên hình thành mối uy hiếp chiến lược về mặt quân sự đối với các nước xung quanh Biển Đông. Nói theo thuật ngữ cờ vây, Trung Quốc vừa chiếm được đất vừa chiếm được thế.

Từ những diễn biến đó khiến dư luận lại một lần nữa được chứng kiến sự khác biệt giữa mưu đồ của Trung Quốc khi họ đã và đang triển khai thực hiện những “dự án chiến tranh” phi pháp nói trên so với những tuyên bố, hứa hẹn, thậm chí cả việc tha thiết kêu gọi các nước trong khu vực cần phải tôn trọng “sự thật lịch sử“, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng thương thảo đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan, tôn trọng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông của Trung Quốc và Asean… mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa mới tung hô trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Julia Bishop khi công du tới Úc hôm 7-9 (Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 8-9 đưa tin). Che giấu những hành động phi pháp trên thực tế để dễ bề đánh lùa dư luận, đó mới  chính là điều nguy hiểm nhất mà chúng ta cần cảnh giác ứng phó.

- Có thể nói việc xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma (thuộc Việt Nam) của Trung Quốc là bước đi đầy thô bạo nhằm hiện thực hóa ý đồ độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc đang thèm khát?

Hoạt động xâm phạm của Trung Quốc ở khu vực Gạc Ma không phải là mới mà đã được Trung Quốc tổ chức triển khai ngay sau khi họ dùng vũ lực để xâm chiếm 6 thực thể ở Tây Bắc quần đảo Trường Sa năm 1988.  Tại thời điểm này, Việt Nam đã cực lực phản  đối hành động xâm lăng của Trung Quốc và  tiếp sau đó, đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Trung Quốc xây dựng các công trình quân sự ngay trên một bộ phận lãnh thổ Việt Nam trong quần đảo Trường Sa. Nhắc đến thời điểm lịch sử này, người Việt Nam chúng ta mãi khắc sâu lời thề với đất nước, với tổ tiên, đồng bào, đồng chí đã hy sinh xương máu để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này: “…Hôm nay kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo chính của quần đảo Trường Sa, có mặt đông đủ đại diện các Tổng cục, các Quân chủng, đại diện tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn các cán bộ chiến sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau “quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta” (Phát biểu của Đại tướng Lê Đức Anh, Ủy viên BCT, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhân lễ kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thông Hải quân VN (17-5-1955/17-5-1988, tại đảo Trường Sa lớn).

- Chân thành cảm ơn ông!