Lấy phiếu tín nhiệm: 2 hay 3 mức?

ANTĐ - Ngày 13-6, Quốc hội đã thảo luận về sửa đổi quy định về lấy phiếu tín nhiệm. Đa số các ĐBQH phát biểu tại hội trường đều cho rằng, nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ để đánh giá cán bộ sát hơn.

ĐB Lò Hải Ươi (Lai Châu) cho rằng, dự thảo nghị quyết quy định mỗi nhiệm kỳ lấy phiếu một lần là chưa phù hợp, khó nâng cao chất lượng hoạt động công tác của người được lấy phiếu. “Sẽ có người nghĩ đằng nào hết nhiệm kỳ cũng nghỉ hưu nên không muốn phấn đấu nữa. Song nếu lấy định kỳ hàng năm thì thời gian lại quá gần nhau, không đủ thời gian khắc phục hạn chế, yếu kém. Đề nghị lấy 2 lần trong 1 nhiệm kỳ, vào cuối năm thứ hai và thứ tư”.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng đồng tình lấy phiếu 2 lần trong nhiệm kỳ 5 năm. Ông đề nghị, nên lấy phiếu tín nhiệm với 2 mức (tín nhiệm và tín nhiệm thấp).

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cùng quan điểm: “1 nhiệm kỳ lấy 1 lần là ít, chưa đánh giá hết được cán bộ. Nên làm 2 lần mới có ý nghĩa, mới đánh giá được họ có tiến bộ hay không. 3 mức tín nhiệm là không hợp lý. Nên lấy 2 mức: tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Phải nghiên cứu thật kỹ. Tôi tin là cán bộ không có gì phải lo. Những người kỳ trước nhiều phiếu thấp, lần này chắc chắn sẽ cao”.

Một lần lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, cần lấy phiếu ít nhất 2 lần một nhiệm kỳ, để người lấy phiếu có thời gian rèn luyện, sửa chữa. “Lấy phiếu một lần sao biết tiến bộ hay vẫn dậm chân tại chỗ” – ĐB tỉnh Cà Mau nói.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) lên tiếng: “Lấy phiếu tín nhiệm là bước tiến quan trọng trong hoạt động giám sát. Lấy phiếu hàng năm là quá nhiều, quá ngắn, chưa đủ thời gian để người lấy phiếu sửa mình. Nhưng nếu chỉ lấy 1 lần vào giữa nhiệm kỳ lại quá ít, và còn 2,5 cuối nhiệm kỳ coi như không đánh giá nữa hay sao?”

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) không đồng tình lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức như hiện nay: “Như thế an toàn quá. Cử tri không tán thành. Nên nghiên cứu 2 mức: tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Song như vậy lại giống với bỏ phiếu tín nhiệm. Do vậy, tôi đề xuất vẫn để 3 mức song nên ghi rõ là: tiếp tục công việc được giao, bố trí công tác khác và nên từ chức”.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) kiến nghị: “Chúng ta nên lấy phiếu tín nhiệm cả những giám đốc sở, ngành, không phải thành viên UBND, bởi nhiều sở quản lý những lĩnh vực rất nóng. Cử tri có nguyện vọng là tín nhiệm chỉ nên ở 2 mức.”

ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nên lấy phiếu ở 2 mức để “hợp quy luật, không bị phân tán số phiếu và đánh giá sát cán bộ”. ĐB Đỗ Văn Đương kiến nghị, Quốc hội nên phát phiếu thăm dò về các nội dung quan trọng của của nghị quyết (bao nhiêu mức tín nhiệm, một nhiệm kỳ lấy phiếu mấy lần...). Cũng đồng tình việc lấy phiếu thăm dò, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) nói: “Như thế sẽ rõ chính kiến của ĐBQH về vấn đề quan trọng này”.

Đề nghị giữ 3 mức tín nhiệm, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nói: “Lấy phiếu phải khác với bỏ phiếu tín nhiệm, nếu để 2 mức thì khắc nghiệt quá. Tôi nghĩ có thể để 3 mức, nhưng cần thay đổi một chút thành: tín nhiệm cao, tín nhiệm và không tín nhiệm...”.